Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm: Làm sao để không còn những câu hỏi day dứt?

Thứ Ba, 04/06/2019, 07:23 [GMT+7]

Người dân, cử tri mong đợi những giải pháp, việc làm hiệu quả của cơ quan bảo vệ pháp luật trước thực trạng đáng lo ngại về an ninh, trật tự hiện nay.

Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 diễn ra trong hai ngày rưỡi, bắt đầu từ ngày 4/6. 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Trong đó có nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự, đến công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, và Bộ Trưởng Bộ Công an sẽ là “tư lệnh” để đăng đàn.

1
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong một phiên trả lời chất vấn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.


Không ngẫu nhiên vấn đề liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự nhận được nhiều phiếu đề nghị chất vấn nhất của các đại biểu tại Kỳ họp Quốc hội lần này. Hàng trăm kilogram, hàng tấn ma túy đá được phát hiện ở Hà Tĩnh, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh; các vụ án tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen.

Hàng loạt vụ án giết người với tính chất mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, với đa dạng đối tượng thực hiện hành vi. Những vụ tai nạn giao thông gây chấn động dư luận khi kẻ gây nên nỗi đau khôn cùng cho gia đình nạn nhân, cho xã hội sử dụng chất kích thích là rượu, bia, là ma túy. Đó là thực trạng, là bức tranh khái quát mang gam màu tối về tình hình vi phạm, tội phạm nổi lên thời gian qua.

Dẫu ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng nòng cốt bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; dẫu các cấp chính quyền, ngành chức năng đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý địa bàn; dẫu cộng đồng đã có trách nhiệm, ý thức đấu tranh với các loại tội phạm, nhưng thực trạng ấy vẫn khiến dư luận bức xúc, khiến lòng dân chưa yên, khiến những câu hỏi vì sao, tại sao, khó có câu trả lời thỏa đáng.
 

1
Lực lượng công an lập biên bản thu giữ tang vật của vụ án ma túy tại Nghệ An.


Vì sao tệ nạn sử dụng ma túy, tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ngày càng nhiều, số lượng ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng? Vì sao các vụ thảm án, cướp đi sinh mạng của nhiều người, đặc biệt là kẻ gây án và nạn nhân có quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình xảy ra nhiều đến thế? Vì sao các loại tội phạm khác vẫn hoành hành, gây bất an cho cuộc sống của người dân?

Vì sao có người được đánh giá là “tử tế, hiền lành” bỗng chốc trở thành kẻ thủ ác với hành vi man rợ, mất hết tính người? Vì sao có những nhóm tội phạm hành tung bí ẩn mang hơi hướng của “giáo phái lạ” chưa được phát hiện kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng?

Vì sao có chuyện cùng tính chất, mức độ của hành vi mà vụ thì xác định đó là lỗi, là tội; vụ lại cho rằng chưa cấu thành? Có vụ ra quyết định xử phạt như đùa, trong khi có vụ lại máy móc áp dụng hình phạt “ngất ngưởng” gây tranh cãi ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, trên nghị trường Quốc hội!

Thực trạng đó cho thấy điều gì nếu như không phải có sự lơi lỏng trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý đối tượng, quản lý địa bàn? Nếu như không phải có sự bất nhất khi xử lý tội phạm của các cấp, ngành có liên quan?

Nếu như không phải quy định của pháp luật còn nhiều khoảng trống, còn “nương nhẹ” hành vi vi phạm? Nếu như không phải những chính sách lỏng lẻo, vì “lợi ích nhóm” trong quản lý kinh tế, tiền tệ vô hình trung góp phần cho tệ nạn, tội phạm “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” phát triển?

Nếu như không phải sự “nhờn luật”, coi thường quy định pháp luật của một bộ phận người dân đã đến mức báo động? Nếu như không phải những oan khuất, bức xúc bị dồn nén, khi có điều kiện là bung ra tạo thành mối nguy cho xã hội, cho gia đình, cho người thân?
 

1
Căn nhà nơi xảy ra vụ án giấu thi thể người trong thùng bê tông ở Bình Dương gây rúng động dư luận trong thời gian qua.


Trả lời chất vấn, trả lời những câu hỏi của thực trạng không chỉ cần khi chất vấn trên nghị trường, mà cái căn cốt là giải quyết được những vấn đề trọng yếu, cả trước mắt và lâu dài. Nó đòi hỏi, “cái tầm”, “cái tâm’ của người lãnh đạo, quản lý, của người đứng đầu. Nó cũng đòi hỏi trách nhiệm của các bên để làm sao không còn những câu hỏi day dứt về an ninh trật tự; để người dân được sống trong một xã hội ổn định, bình yên./.
 

 

Theo Đàm Hoa/VOV

.