Ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên

Vững bước trên chặng đường phát triển

Thứ Ba, 19/11/2019, 09:02 [GMT+7]
Điện Biên TV – Phát huy truyền thống của các thế hệ nhà giáo Việt Nam qua các thời kỳ, được sự quan tâm của Trung ương Đảng; Chính phủ các cấp chính quyền, các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt với sự tâm huyết vượt qua muôn vàn khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên ngày càng có nhiều đổi thay rõ nét với những mảng màu tươi sáng hơn, rực rỡ hơn.
 
Quá trình thành lập.
 
Ngày 1/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập tạo bước chuyển mình rất lớn cho ngành Giáo dục. Cũng trong năm 1963, trường Sư phạm cấp I của tỉnh được thành lập góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên cho tỉnh. Những năm chiến tranh leo thang, Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc, nhiều trường học đã bị đánh phá và phải chuyển đến nơi sơ tán, đã có những thầy cô và học trò bị thương, có thầy giáo đã hy sinh…
 
Khó khăn chồng chất, thầy và trò vừa xây dựng trường lớp vừa tổ chức giảng dạy, học tập và quyết tâm không vì khó khăn mà ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Quy mô trường lớp vẫn tăng, số lượng học sinh tăng hàng năm, chất lượng được khẳng định, nhiều thầy cô giáo trở thành chiến sĩ thi đua, ngành Giáo dục tỉnh được tặng cờ thi đua.
 
Với chủ trương: "Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp", đến hết năm 1970, Giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho cán bộ, đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp trong tỉnh .
 
Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Chỉ thị số 33-CT/GD của Ủy ban hành chính tỉnh về việc tiến hành chiến dịch "Ánh sáng văn hóa", có hơn 600 cán bộ, giáo viên được phân công lên 14 xã vùng cao của 7 huyện, thị trong tỉnh; trên 1.000 cán bộ, bộ đội, công an, học sinh tình nguyện lên các xã vùng cao thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân.
 
Từ năm 1977 đến hết năm 1979, có 76,49% người dân được xóa mù chữ, có 97/153 xã, thị trấn được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Những năm sau đó, quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.
 
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên
 
Mạng lưới trường, lớp các cấp học tăng nhanh, phủ kín các bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 532 trường/trung tâm gồm: 177 trường mầm non, 173 trường tiểu học, 128 trường THCS, 33 trường THPT, 01 TT GDTX tỉnh, 09 TT GDTX-GDNN; 1 Trung tâm NN-TH, 04 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập; 01 Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập; 4 Trường Cao đẳng với gần 7.300 lớp và hơn 200 nghìn học sinh, sinh viên. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học phổ thông và phát triển nhanh ở cấp học mầm non.
N
Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, trước năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,2%) đến nay đã có 326 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 65,5%.

Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường các cấp học liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông DTNT, bán trú được phát triển và củng cố. Các trường phổ thông DTNT cấp huyện đều được nâng cấp lên THPT, được đầu tư, cải tạo, mở rộng quy mô; hệ thống trường PTDTBT tiếp tục phát triển; toàn tỉnh có 09 trường phổ thông DTNT THPT và 137 trường PTDTBT (Tiểu học 76 trường, THCS 61 trường).

Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ; năm 2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Kết thúc năm học này, đề nghị Bộ GDĐT công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và chuẩn XMC mức độ 2.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hoá về trình độ đào tạo, tăng cường năng lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành có trên 16 nghìn người, trong đó cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên chiếm 100%, đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 99%. Tỷ lệ đảng viên chiếm gần 45%;  không có cơ sở giáo dục trắng về đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan quản lý giáo dục, các đơn vị trường học đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Qua đó khẳng định được vị thế, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm chỗ ăn ở của các em học sinh bán trú THCS  Pa Thơm xã Pa Thơm huyện Điện Biên.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm chỗ ăn ở của các em học sinh bán trú THCS Pa Thơm xã Pa Thơm huyện Điện Biên.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn ngành có 9.052 phòng học với 67,5% số phòng kiên cố; còn lại là phòng bán kiên cố và phòng đáp ứng tiêu chí "Ba cứng", không còn phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá; phòng ở nội trú đáp ứng 83,6% nhu cầu của học sinh; phòng ở công vụ đáp ứng 83,7% nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các trường học được xây dựng ngày càng xanh- sạch- đẹp, an toàn và thân thiện. Ứng dụng CNTT trong trường học được đẩy mạnh, 100% trường học được kết nối internet.

Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, trước năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,2%) đến nay đã có 326 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 65,5%.

Toàn tỉnh có 100% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày; trên 98% trẻ được ăn bán trú tại trường; tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân trong trường học dưới 10%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành lớp học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đạt trên 99%, tốt nghiệp THPT đạt trên 92%. Công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, hoạt động nghiên cứu khoa học gặt hái được nhiều kết quả.

Số học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm tăng, chất lượng giải được xếp ở tốp giữa so với cả nước (năm 2015 đạt 23 giải trong đó 01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 08 giải Ba và 09 giải KK; năm 2018, 2019 mỗi năm đạt 17 giải). Tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học năm 2018 có 05 lượt dự án đạt giải; năm 2019 có 02 dự án đạt giải. Các cuộc thi qua mạng khác dành cho học sinh Tiểu học, THCS, THPT, … Điện Biên luôn có đội tuyển tham gia và đạt nhiều giải cao.

N
Đồng Chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bên phải) tặng hoa và Bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn cho giáo viên trẻ tiêu biểu.

Đạt nhiều thành tích, danh hiệu cao quý

Với nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Tập thể Anh hùng Lao động thời kì đổi mới: Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo, trường Phổ thông DTNT tỉnh; Huân chương Lao động hạng Nhất: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trường Phổ thông DTNT tỉnh, trường Mầm non 20/10 - Thành phố Điện Biên Phủ; Huân chương Lao động hạng Nhì: THPT Phan Đình Giót, Tiểu học Bế Văn Đàn, Tiểu học Him Lam - TP. Điện Biên Phủ; THCS Thanh Xương, Mầm non Thanh Hưng - huyện Điện Biên; Mầm non Thị trấn Tuần Giáo... 

Nhiều trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ; 25 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú, nhiều thầy cô được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Chính phủ cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm học 2018-2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận là 1 trong 7 Sở GDĐT có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và tặng thưởng Cờ thi đua.

60 mùa thu đã trôi qua - chặng đường hơn nửa thế kỷ in dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đầy biến động trong hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển. Chặng đường ấy không chỉ có mồ hôi công sức, mà có cả máu, nước mắt và nhiều quãng đời thanh xuân nơi rừng sâu, núi thẳm của các thế hệ "đưa đò" thầm lặng Ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên./.

 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.