Huyện Tủa Chùa:

Phát triển nuôi thả thủy sản trên lòng hồ sông Đà

Thứ Sáu, 18/09/2020, 09:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xuất phát từ nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế của việc nuôi, khai thác thủy sản, huyện Tủa Chùa đang có nhiều chủ trương, giải pháp có hiệu quả tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng mặt nước phát triển nuôi thả thủy sản trên lòng hồ sông Đà. Góp phần nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống cho người dân.

Tuy là huyện miền núi, song Tủa Chùa có nhiều tiềm năng về diện tích mặt nước, khí hậu thuận lợi để phát triển nuôi thả thủy sản. Phát huy tiềm năng thế mạnh, những năm qua, địa phương này đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển nuôi thả thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư. Khuyến khích và có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho cá nhân, hợp tác xã đầu tư nuôi cá.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa, cho biết: “Trong những năm gần đây, ngoài đẩy mạnh một số vùng sản xuất tập trung, như chè tuyết san, khoai sọ tím, chanh leo, su su, thì việc phát triển nghề nuôi trồng đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La cũng là một ngành chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Do đó, chúng tôi đã và đang khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề cá để tăng thêm thu nhập”.

1
Người dân xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa phát triển nuôi thả thủy sản trên lòng hồ sông Đà.

Huyện Tủa Chùa có gần 50 km đường sông nằm ở các xã Tủa Thàng, Sín Chải, Huổi Só. Đây là điều kiện tốt để người dân phát triển nuôi và đánh bắt thủy sản, tăng nguồn thu nhập. Ngoài việc đánh bắt, nuôi thả thuỷ sản trên lòng hồ sông Đà, huyện Tủa Chùa còn có trên 70 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản; sản lượng thuỷ sản đánh bắt, khai thác hàng năm đạt gần 30 tấn. Nhằm giúp nhân dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện một cách hiệu quả, đầu năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư, hỗ trợ cho người dân xã Tủa Thàng về giống, thức ăn, nguyên vật liệu để các hộ dân làm lồng nuôi cá, với tổng số vốn đầu tư 56 triệu/hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã Tủa Thàng có hơn 130 lồng cá.

Khi màn sương sớm vẫn còn dày đặc trên mặt hồ là thời điểm những ngư dân trên dòng sông Đà chèo thuyền đi thu lưới. Anh Giàng A Sinh ở xã Tủa Thàng lại bắt đầu công việc thường ngày của mình để chăm sóc những lồng cá của gia đình. Anh Sinh cho biết: trước đây gia đình chủ yếu là làm ruộng, nương, do không đủ trang trải cho cuộc sống nên anh đã đầu tư và phát triển nghề nuôi cá lồng trên lồng trên lòng hồ thủy điện này. Ngoài ra, trên lòng hồ ở đây không chỉ có dân chài lưới kiếm kế sinh nhai mà người dân còn hình thành chợ nổi trên sông, buôn bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những ngư dân, như thực phẩm, quần áo.

Để có thể phát triển nghề nuôi cá lồng cũng như đánh bắt thủy sản một cách bền vững vẫn rất cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng trong triển khai các mô hình thí điểm; tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và ươm nuôi cá giống, đầu tư mở rộng nuôi trồng; tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, tập trung nuôi các loại cá có giá trị cao; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân nhằm tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm./.

 

 

Anh Dũng - Minh Tuân/DIENBIENTV.VN

.