Đại biểu Quốc hội Việt Nam mang 2 quốc tịch có vi phạm pháp luật?

Thứ Năm, 27/08/2020, 06:36 [GMT+7]

Luật sư cho rằng, ĐBQH có hai quốc tịch là không phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch và phải xin thôi một quốc tịch hoặc xin thôi ĐBQH.

Vụ việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc mang 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch Síp (Cyprus) đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

q
ĐBQH Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu tại Quốc hội. (ảnh: Người Lao động)

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Ngày 4/12, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan đến vụ việc, ngày 25/8, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông "mua" quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera".

Đại biểu Quốc hội không được mang hai quốc tịch

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép đại biểu Quốc hội được mang hai quốc tịch.

Theo đó, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ là người có Quốc tịch Việt Nam. Bởi vậy, đại biểu nào mang hai quốc tịch thì buộc phải thôi quốc tịch hoặc thôi đại biểu Quốc hội.

Trường hợp khai báo gian dối, không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội mà không xin thôi đại biểu quốc hội thì có thể bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Quốc hội.

“Luật tổ chức Quốc hội quy định rất cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội. Những người không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng là đại biểu Quốc hội mà không xin thôi thì có thể bị bãi nhiệm theo quy định pháp luật”- Luật sư Cường nói.

Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên thì tại Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2020 quy định Đại biểu quốc hội có một Quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, ngoài những tiêu chuẩn quy định tại điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội thì đại biểu Quốc hội phải là người "có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Người nào có 2 quốc tịch thì không đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội theo quy định pháp luật hiện hành.

1
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Bởi vậy, trong trường hợp nêu trên cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ vị đại biểu Quốc hội này có mang 2 quốc tịch hay không. Nếu vị này có hai quốc tịch thì không phù hợp với quy định của Luật quốc tịch và kể từ 01/01/2021 là không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội. Bởi vậy người vi phạm trong trường hợp này phải xin thôi một quốc tịch hoặc xin thôi đại biểu Quốc hội nếu không thì sẽ bị xem xét xử lý bãi nhiệm theo quy định của pháp luật nêu trên.

ĐBQH mang hai quốc tịch có đảm bảo trung thành tuyệt đối với Tổ quốc?

Về vấn đề này, Luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sư JNV thông tin thêm, theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại khoản 1 Điều 17 quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014 cũng quy định nguyên tắc một quốc tịch tại Điều 4 “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, nguyên tắc một quốc tịch của công dân Việt Nam là nguyên tắc đã được cụ thể hóa bằng quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp công dân Việt Nam có đồng thời hai quốc tịch. Chính vì vậy, Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014 cho phép công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch trong những trường hợp sau: được Chủ tịch nước cho phép; xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; Trẻ em là con nuôi; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.

Với Đại biểu Quốc hội, theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội ( Điều 22) gồm 5 tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…

Như vậy, theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì không có quy định bắt buộc đại biểu Quốc hội chỉ được mang một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc một đại biểu Quốc Hội có hai quốc tịch có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn thứ nhất trong năm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là : “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Về trường hợp đại biểu QH Phạm Phú Quốc, luật sư Hiển băn khoăn, đại biểu Quốc Hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân, nếu đồng thời mang hai quốc tịch thì đại biểu Quốc hội có đảm bảo trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp?

Chính vì bất cập này, theo luật sư Hiển, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội đã bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong đó có tiêu chuẩn: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" (khoản 1a, Điều 22). Tuy nhiên, hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội vẫn chưa có hiệu lực (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Do vậy, việc đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch trong thời điểm hiện nay không bị coi là vi phạm pháp luật./.

Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên thì tại Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
1. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 như sau:
“1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Link: https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/dai-bieu-quoc-hoi-viet-nam-mang-2-quoc-tich-co-vi-pham-phap-luat-1088362.vov

 

Theo Nguyễn Hiền/VOV

.