Vui Tết xíp xí với người Thái Trắng ở Tây Bắc

Thứ Tư, 14/08/2019, 06:52 [GMT+7]

Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, người Thái trắng lại tổ chức Tết xíp xí theo nét đặc trưng riêng của dân tộc

Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, người Thái trắng lại tổ chức Tết xíp xí theo nét đặc trưng riêng của dân tộc. Đây được coi là Tết lớn nhất của người Thái trắng vùng Tây Bắc.

Đến các bản làng người Thái trắng ở Lai Châu mấy ngày nay, nhà ai nấy đều rộn ràng chuẩn bị đón Tết xíp xí. Các bà, các mẹ mỗi người mỗi việc tất bật gói bánh trưng, bánh nếp, còn đàn ông người trụ cột trong gia đình thì sẽ có nhiệm vụ mổ vịt chuẩn bị mâm lễ và dọn dẹp bàn thờ thắp hương tổ tiên.

1
Cả gia đình quây quần với Tết xíp xí.

Ngày xưa, Tết xíp xí của người Thái Trắng là dịp dâng lễ vật để tạ ơn thần linh, thổ địa đã chở che cho dân bản cuộc sống an lành, bảo vệ mùa màng bội thu và cũng là dịp để cho các hộ làm lễ cúng vía trâu. Trong lễ thầy cúng cho trâu ăn muối để nhớ đường về bản, đổ rượu lên đầu nhằm lấy may, cầu mong không bị thú dữ ăn thịt, không bị rơi xuống hố, ngã lăn vực sâu… Sau khi cúng xong thả trâu vào rừng nơi có bãi cỏ để trâu nghỉ ngơi lấy lại sức sau một mùa cày, bừa. Đối với các công cụ sản xuất được sửa sang cất gọn để vụ sau mới đem ra dùng.

Bà Lò Thị Phái, 85 tuổi, người Thái trắng ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết: “Ngày xưa, người Thái ăn xíp xí: làm mâm cỗ cúng tổ tiên và làm lễ cúng vía trâu, cúng ruộng. Buổi sáng cả bản cùng nhau đóng góp mổ lợn làm lễ cúng vía trâu. Buổi chiều nhà nào cũng đi cúng ruộng. Đồ lễ gồm có vịt, xôi, rượu, cây móc và cắt hình con cá, con cua và các con côn trùng treo lên cây móc. Lễ được làm ngay đầu bờ mương, nơi nước chảy vào ruộng với mong muốn không sâu bệnh hại lúa, mùa màng bội thu…”.

Tuy nhiên, các lễ này trong Tết xíp xí ngày nay không còn nữa. Ngày 14 tháng 7 được bà con người Thái trắng coi như một ngày tết ăn mừng thành quả lao động vất vả trong sáu tháng đầu của một năm, ai đi xa cũng về đoàn tụ, con cháu hướng về tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ những sản vật do chính mình làm ra, thể hiện truyền thống nhớ về cội nguồn của dân tộc. Theo quan niệm của người Thái trắng, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu, điềm gở trôi theo dòng nước. Vì thế, ngoài lễ cúng giải hạn, trong Tết xíp xí, người Thái trắng cúng vịt cầu mong sung túc, an lành.
 

1
Bà con chuẩn bị cho Tết.

Ngày Tết xíp xí  của người Thái trắng Lai Châu là phải cúng và ăn buổi trưa nên các món ẩm thực, các loại bánh truyền thống của dân tộc cũng được chuẩn bị ngay từ sáng sớm thật tươm tất. Ông chủ dâng mâm lễ cúng tổ tiên tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Trước bàn thờ linh thiêng, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần đông đủ lần lượt vái lễ cầu mong phù hộ con cháu ăn nên làm ra, cả nhà khỏe mạnh.

Ông Chu Văn Hạnh, ở bản tái định cư Bình Luông, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Ngoài tết nguyên đán, trong một năm người Thái còn có ngày 3 tháng 3 là tết thanh minh, ngày 5 tháng 5 tháng năm tết Đoan Ngọ, 14 tháng 7 là tết xíp xí và tết 9 tháng 9 âm lịch. Trong những ngày tết đó nhà nào cũng mổ gà, vịt làm mâm cơm cúng tổ tiên và nấu những món ẩm thực đặc trưng của dân tộc, mời anh em họ hàng đến chung vui, chúc cho nhau những lời tốt đẹp…”.

Tết xíp xí cũng là dịp để bà con mời anh em, bạn bè đến chung vui bữa cơm thân mật cùng gia đình và nhà nào mời được nhiều khách đến dự đông vui càng may mắn. Mâm cỗ ngày Tết xíp xí không chỉ thể hiện sự sung túc, no đủ mà còn thể hiện lòng mến khách của gia chủ. Trong không khí ấm áp, vui vẻ, chủ nhà với cây đàn “tính tẩu” giãi bày tình cảm bằng ngôn từ mộc mạc, âm thanh réo rắt, làm cho bữa tiệc thêm ý nghĩa. Khi men rượu nồng đã ngấm họ cùng nhau chung vui với các trò chơi dân gian, múa, hát các bài dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để rồi, những ai từng được tham gia, chứng kiến không khí Tết xíp xí cùng đồng bào Thái, dù chỉ một lần cũng phải nhớ mãi.

Tết xíp xí được tổ chức theo từng gia đình, có nơi theo dòng họ và tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau, là một nét đẹp văn hóa được người Thái Trắng Tây Bắc truyền từ đời này sang đời khác./.   

 

 

Theo Thúy Ngoạn/VOV

.