Chuyện đau lòng ở Mường Chà

Thứ Bảy, 11/01/2014, 18:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm 2013, tình trạng tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Điện Biên lên tới gần 60%o,  tăng cao so với năm 2012. Mường Chà là một trong 4 huyện có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trên toàn tỉnh. Sống ở những thôn bản xa xôi hẻo lánh, sự thiếu hiểu biết và ngại tiếp cận với dịch vụ y tế của nhiều bậc cha mẹ, đã gây nên nhiều cái chết thương tâm cho trẻ.

Trong 3 năm gần đây, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà là một trong số các xã có số trẻ tử vong dưới 5 tuổi hàng năm cao nhất so với 10 xã, thị trấn trên toàn huyện. Theo số liệu do Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cung cấp, năm 2011 xã này có 18 trẻ dưới 5 tuổi tử vong; năm 2012, con số này là 11. Nhưng năm 2013 số trẻ tử vong dưới 5 tuổi ở Hừa Ngài lại tăng lên 14 trẻ. Để hiểu rõ hơn nguyên nhân những cái chết thương tâm của các em bé dưới 5 tuổi ở đây, chúng tôi đã tìm đến bản San Suối, nơi có nhiều trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong trong năm 2013.

Theo người dân địa phương cho biết, bản San Suối là một trong những bản nằm ở khu vực cao nhất của xã Hừa Ngài, với độ cao trung bình 1.500m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây thường thấp hơn khu vực trung tâm xã từ 1-2 độ C. Cách trung tâm xã 6 km, chặng đường không quá xa, nhưng con đường lô nhô đá và lầy lội trơn trượt khiến ai cũng ái ngại mỗi khi phải ra vào bản, nhất là khi mùa mưa đến. Nằm trên núi cao, khí hậu lạnh nên vào buổi sáng San Suối thường có mây mù và sương muối. Mãi đến khoảng 10 giờ trời mới hửng nắng. Tuy trời lạnh nhưng vừa vào bản chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những em bé vô tư chơi đùa, mà trên người không một manh áo ấm. Phải chăng trẻ em ở San Suối có sức khỏe phi thường, có thể chống chọi với cái rét vùng cao?

Chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi này qua thông tin do người dân ở đây cung cấp: Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm, bản San Suối xã Hừa Ngài đã có 7 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Tình trạng này khiến người dân trong bản và trong xã rất hoang mang. Tháng 3/2013, gia đình anh Giàng A Khô đã mất một bé gái mới chưa đầy 2 tháng tuổi. Câu chuyện của anh Khô khiến ai cũng không khỏi ngậm ngùi. Cô con gái bé bỏng của vợ chồng anh còn chưa được làm lễ đặt tên, chỉ sau vài giờ đồng hồ, mãi mãi không ai còn được nghe em khóc.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thể trạng còn rất yếu, nên tình trạng bệnh thường diễn biến rất nhanh, bởi vậy mọi biểu hiện khác lạ của trẻ đều cần được cha mẹ và người chăm sóc chú ý. Chỉ bởi suy nghĩ giản đơn: đợi trời sáng mới đưa con tới trạm xá khám bệnh, anh Khô đã phải chịu một mất mát quá lớn

b b
Hình ảnh những em bé thiếu manh quần, tấm áo rất dễ gặp ở vùng cao.

 

Theo chỉ dẫn của người dân bản San Suối, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình chị Giàng Thị Kía. Trước cửa nhà chị đang cắm cành lá xanh, thế có nghĩa là gia đình vừa làm lý chữa bệnh cho người ốm. Chúng tôi là người lạ nên không được vào nhà. Đồng bào Mông ở San Suối vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hủ tục cũ. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, họ lại mời thầy cúng đến làm lễ và tự chữa bệnh tại nhà bằng lá thuốc. Chỉ khi nào bệnh tình kéo dài không thuyên giảm họ mới tìm tới cơ sở y tế. Bệnh không được phát hiện sớm, người bệnh không được cứu chữa kịp thời dẫn đến rất nhiều nguy cơ. Chính chị Kía và gia đình chị đã đã phải chịu mất mát lớn vì không hiểu biết. Năm 2011, chị Giàng Thị Kía mất một bé trai mới 2 tháng tuổi. Ban đầu bé có biểu hiện hay quấy khóc, bỏ bú. Do kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh còn hạn chế, gia đình không nhận ra tình trạng bệnh lý của bé. Cuối cùng sau một đêm khó thở, bé đã tử vong. Năm 2012, chị Kía lại sinh thêm một bé trai. Chưa kịp vui mừng thì sự việc đau lòng lại tái diễn. Chị Kía tâm sự: "Trước ngày hai đứa nhỏ mất, biểu hiện đều là quấy khóc, bú ít. Hôm ấy nó khóc nhiều, sau đó thì không thấy khóc nữa, từ khoảng nửa đêm cho đến gần sáng thì người đã lạnh mất rồi. Nhanh quá chúng tôi không kịp đưa con xuống trạm y tế. Cả hai đứa đều như thế".

Do hiểu biết xã hội nói chung và hiểu biết về chăm sóc sức khỏe nói riêng còn nhiều hạn chế, nên suy nghĩ của người dân vùng cao về sự sinh tử cũng rất giản đơn. Trong 2 năm mất 2 đứa con, cho đến giờ chị Kía vẫn không biết nguyên nhân cái chết của các con chị là vì đâu. Chị chỉ lờ mờ nghĩ rằng đó là số phận!

Trong khi trò chuyện với người dân trong bản chúng tôi biết thêm thông tin, gần đây bản San Suối có nhiều người ốm. Phần lớn là người già và trẻ em. Biểu hiện ban đầu của họ là sốt, ho, sau đó ho ra máu. Tình trạng bệnh khá nặng nhưng người bệnh đều không đến cơ sở y tế khám chữa. Họ tự điều trị tại nhà bằng lá thuốc, hoặc tự xuống các quầy dược ở thị trấn mua các loại thuốc quen thuộc về điều trị. Do không biết chính xác căn bệnh mắc phải và chữa bệnh không đúng cách, nên tình bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn kéo dài. Ngay cả các em bé cũng được chữa trị theo cách này.
 
Không chú ý tới những biểu hiện khác thường của trẻ; khi trẻ có triệu trứng bệnh lý cụ thể, không đưa trẻ tới cơ sở y tế khám chữa, mà tự chữa bệnh tại nhà, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi năm, hàng chục đứa trẻ dưới 5 tuổi ở xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà tử vong. Điều này cho thấy nhận thức của đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa về chăm sóc sức khỏe trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Họ còn ngại tiếp cận với dịch vụ y tế, trong khi trẻ em được hưởng chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe do Nhà nước quy định.

Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi hàng năm cao và có chiều hướng gia tăng, không phải là tình trạng riêng ở xã Hừa Ngài. Trong 3 năm gần đây, số trẻ dưới 5 tuổi tử vong ở huyện Mường Chà, trong đó bao gồm một số xã mới được sáp nhập vào huyện Nậm Pồ như: Si Pa Phìn, Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn thường là con số từ 90 đến 100 trẻ. Trên toàn tỉnh con số này còn cao hơn nhiều lần. Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên toàn tỉnh không ngừng gia tăng, từ 37%o (năm 2011) lên 43%o (năm 2012) và gần 60%o (năm 2013). Với con số này thì Điện Biên là tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Theo điều tra của các đơn vị chuyên môn, khoảng 60 - 70% trẻ tử vong do viêm phổi, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác, như: bệnh tiêu chảy cấp, đuối nước và tai nạn thương tích.

Những cái chết thương tâm, những con số đáng báo động về tình trạng tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh, là vấn đề các ngành chức năng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm. Vấn đề không chỉ là chỉ đạo của ngành Y tế, của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà quan trọng hơn cả, là làm thế nào để nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân vùng cao về chăm sóc sức khỏe trẻ em, và đảm bảo quyền lợi của trẻ trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.   
 

Minh Giang – Trọng Lâm

.