Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP: điểm di tích lịch sử sau 65 năm chiến thắng

Thứ Tư, 01/05/2019, 15:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc địa phận xã Mường Phăng huyện Điện Biên. Chính nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của chiến dịch. 65 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng Sở chỉ huy chiến dịch vẫn là nơi giữ lại những chứng tích lịch sử để chúng ta nhớ đến chiến thắng hào hùng của dân tộc.

Đông đảo du khách đến tham quan khu di tích Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa
Đông đảo du khách đến tham quan khu di tích Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa


Bên cạnh các di tích trong quần thể chiến thắng Điện Biên Phủ, như: đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, hầm Đờ - cát - tơ - ri thì di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đặt tại Mường Phăng là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Điện Biên. Khu di tích tọa lạc trong thảm rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng ở đây 105 ngày, từ 31/1/1954 đến 15/5/1954.

65 năm đã qua, thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ nhưng nhờ được quan tâm, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ thường xuyên nên khu di tích cơ bản được gìn giữ nguyên trạng, phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng tổ QL&BV Di tích Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP cho biết: Ngay từ ban đầu cơ quan đã chủ động xây dựng kế hoạch thứ nhất là công tác quét dọn vệ sinh môi trường, thứ 2 chúng tôi phối hợp với dân quân tự vệ của xã làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, thứ 3 chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng công an xã đảm bảo công tác an ninh cho khách tham quan.

Về việc phục vụ thì chúng tôi thực hiện mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần. Để kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì chúng tôi đã chuẩn bị buộc lại niếp các nán trại, thứ 2 là các bảng, biển chỉ dẫn thì chúng tôi đã bảo tồn và tôn tạo 1 số điểm quan trọng để phục vụ khách tham quan

1
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc địa phận xã Mường Phăng huyện Điện Biên

 

Những ngày này, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đón hàng nghìn du khách đến từ mọi miền đất nước. Trong đó có nhiều cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch ĐBP năm 1954, nay trở lại thăm chiến trường xưa.

Ngoài ra còn có thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong và đông đảo thanh, thiếu niên đến đây với mong muốn được tận mắt chứng kiến nơi cha ông đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Nơi đây, ẩn mình dưới những tán rừng vẫn còn đó các trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.v.v. Tất cả khiến những người đến thăm không khỏi bồi hồi, xúc động.

Ông Tô Anh Luật, CCB huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho biết: Lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên Phủ cảm nhận của chúng tôi thấy cái  sức mạnh của dân tộc ta trong thời kỳ chống Pháp tại đây phải nói là rất oanh liệt, đã lập lên kỳ tích và làm rạng rỡ đất nước và lịch sử dân tộc của nhân dân chúng ta. Các di tích chúng tôi tham quan thấy là đã tái hiện gần như nguyên bản trước đây chúng tôi tìm hiểu qua phim tư liệu và các nhân chứng thế hệ trước đây đã kể lại.
 
Chiến tranh đã lùi xa 65 năm, nhưng những hầm hào, lán trại liên hoàn tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn là chứng tích về một thời hào hùng, oanh liệt của ông cha ta.

Bởi vậy, bảo vệ, gìn giữ khu di tích gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm, giá trị của độc lập tự do là việc làm ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của Điện Biên đối với những người đã không tiếc xương máu để nhân dân cả nước có cuộc sống hòa bình ngày nay.

 

 

Nguyễn Hằng – Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

.