Tuần Giáo mảnh đất hào hùng và năng động

Thứ Hai, 19/11/2012, 21:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Tuần Giáo  nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại, cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Điện Biên, nơi có vị trí chiến lược trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ngày nay, Tuần Giáo vẫn còn chứng tích lịch sử thời kỳ đấu tranh cách mạng, dựng nước và giữ nước với rất nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng. Nhiều tấm gương sáng chói về sự hi sinh được ghi trong sử vàng truyền thống.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, kế thừa và phát huy truyền thống của tổ tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ngay từ những ngày đầu bị thực dân, đế quốc âm mưu thôn tính và thống trị, nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo đã đấu tranh kiên cường, bất khuất cùng cả nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tinh thân yêu nước, sự quả cảm của những anh hùng lực lượng vũ trang người dân tộc luôn cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng khỏi sự áp bức của chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 10 tháng 10 năm 1949, Ban cán sự Đảng Lai Châu được thành lập, lấy các xã vùng cao Tuần Giáo làm nơi đứng chân và địa bàn hoạt động. Đến ngày 1 tháng 8 năm 1950, Chi bộ Đảng Tuần Giáo được ra mắt chính là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành mang tính bước ngoặt của phong trào cách mạng, đồng thời đặt nền móng cho việc thành lập Đảng bộ huyện sau này. Bởi từ đây, mỗi bước đi, mỗi thắng lợi giành được của huyện Tuần Giáo đều gắn liền với sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, tiền thân của Đảng bộ huyện ngày nay.

t
Một góc nhìn của quang cảnh huyện Tuần Giáo hiện nay

Tháng 9 năm 1951, địch tổ chức 4 trận càn. Có trận chúng huy động đến 30 lính vào đánh phá căn cứ địa Pú Nhung. Không hề tỏ ra nao núng hay khiếp sợ trước kẻ thù xâm lược, chàng thanh niên Sùng Phái Sinh đã sớm được giác ngộ, vận động nhân dân dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở đối phó với địch. Có sự hẫu thuẫn, che chở của nhân dân, chỉ bằng bẫy đá, cung, nỏ và vũ khí thô sơ, lực lượng dân quân du kích địa phương đã kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ. Tháng 10 năm 1951, địch tăng cường quân lên Lai Châu. Tại Tuần Giáo, chúng điều thêm 50 lính pháp, 200 lính khố xanh từ Thuận Châu(Sơn La), vượt đèo Pha Đin sang càn quét, tàn phá, bắt bớ nhân dân. Căn cứ địa Tỏa Tình bị địch bao vây đánh úp, nhiều đồng chí cán bộ và bộ đội địa phương đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh, gây nhiều thiệt hại cho cách mạng. Tổn thất nặng nề là vậy, cũng chỉ đến giữa năm 1952, hầu hết các cơ sở du kích ở Tuần Giáo lại được củng cố và hoạt động trở lại. Tháng 10 năm 1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhân dân và một phần đất đai ở Tây Bắc. Ngày 17 tháng 11 năm 1952, Trung đoàn 148 tiến đánh địch tại Luân Châu (nay là xã Mường Mùn), phá tan tuyến phòng thủ của địch từ thị xã Lai Châu đi Tuần Giáo. Trong lúc địch đang hoang mang, dao động, không còn đường rút chạy thì ngày 20/11/1952, bộ đội chủ lực của ta đã vượt sông Đà tiến vào Tuần Giáo, phối hợp với Trung đoàn 148 và nhân dân địa phương tổ chức truy quét địch: hàng chục sĩ quan, binh lính Pháp, hàng trăm tên lính bị bắt sống và tiêu diệt, thu nhiều súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng; các tri châu, châu đoàn, thống lý phản động hầu hết bị bắt và đưa đi cải tạo - Tuần Giáo chính thức được giải phóng.

Ngay sau chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, chi bộ Đảng Tuần Giáo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân xây dựng củng cố chính quyền cách mạng; thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính huyện và Ủy ban kháng chiến hành chính ở 20 xã trên địa bàn. Nông dân được chia ruộng đất, phục hồi sản xuất, một cuộc sống mới đã bừng lên trên quê hương Tuần Giáo.

Tuy nhiên, đúng 1 năm sau ngày huyện Tuần Giáo được giải phóng, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ với một cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương vào thời kỳ bấy giờ. Thực hiện quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, với vị trí đầu mối giao thông huyết mạch, con đường vận tải lương thực, vũ khi, đạn dược chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo được xác định là mục tiêu bắn phá khốc liệt của máy báy địch, nhất là khu vực đèo Pha Đin. Một lần nữa, ngoài vị trí tiền tuyến, chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo còn mang trên mình một trọng trách mới: hậu phương vững chắc, tạo thế và lực cho quân và dân ta tiếp tục tiến công  giải phóng Điện Biên.

Ngày 14/11/1954, tại hang Thẩm Púa xã Chiềng Sinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án nổ súng chiếm Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy mặt trận phối hợp chặt chẽ với Đại đội 810 bộ đội địa phương của huyện, cùng với lực lượng dân quân, du kích, được nhân dân hết lòng ủng hộ, kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương; dựa vào địa thế núi rừng trùng điệp, hiểm trở, xây dựng và củng cố lực lượng, đón bộ đội vào giải phóng Điện Biên. Lớp lớp thanh niên Tuần Giáo lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đóng góp hàng ngàn nhân công, hàng vạn ngày công, hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn thịt, hàng trăm tấn rau xanh… để bộ đội ta ăn no, đánh thắng.

Tính từ năm1949-1954, Tuần Giáo có 82 đồng chí cán bộ, bộ đội đã hy sinh, 152 người bị thương trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hàng ngàn người dân bị thiệt mạng, 1.200 ngôi nhà bị đốt phá. Song, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo đã góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954. Đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có sự can thiệp của Mỹ. Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có hàng ngàn người con quê hương Tuần Giáo anh dũng ngã xuống hoặc gửi lại một phần thân thể trên các chiến trường để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, Tuần Giáo còn thể hiện rất rõ sự năng động sáng tạo trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Với tầm chiến lược về kinh tế, gắn với quốc phòng an ninh, từ vùng đất nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề của vết thương chiến tranh, huyện Tuần Giáo ngày nay đã trở thành một trong những địa phương phát triển nhất của tỉnh. Các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 10%/ năm, thương mại phát triển cả về mạng lưới và quy mô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hình thành các vùng phát triển chuyên canh ngô, đậu tương, vùng trọng điểm lúa và một số loại cây công nghiệp mới như: cây cao su, cà phê. Chăn nuôi phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân 5%/ năm. Sản xuất công nghiệp - xây dựng duy trì và có bước phát triển mới, nhịp độ tăng bình quân 15%/ năm. Một số lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng lớn như thủy điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản bắt đầu được xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển. Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả. Quốc phòng - an ninh luôn đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục - đào tạo phát triển cả về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lương được nâng lên. Hồi đầu giải phóng từ chỗ  huyện mới chỉ có vài ba trường lớp học, đến nay toàn huyện đã có 73 trường học các cấp, đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 20 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hiện huyện Tuần Giáo đang đẩy nhanh các giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Công trường Nhà máy thủy điện Nậm Mức

Dòng sông Nậm Mức hung dữ giờ đang được chặn lại, tận dụng năng lượng phát điện. Với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 44 MW dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng để phát điện vào quý I năm 2014, mỗi năm nhà máy Thủy Điện Nậm Mức sẽ sản xuất trên 150 triệu KW/h điện. Ngoài cung cấp sản lượng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều hòa phân lũ vào mùa mưa, nhà máy thủy điện này còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh nhà máy thủy điện Nậm Mức, một Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp công suất 30.000 m3/năm đã được xây dựng chuẩn bị hoàn thành. Theo tính toán, khi bắt đầu hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm ổn định cho 200 công nhân tại chỗ. Đồng thời, tạo thị trường tiêu thụ cho hàng ngàn ha rừng kinh tế hiện chưa có đầu ra, khuyến khích phát triển nghề rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở huyện Tuần Giáo và một số vùng phụ cận.

Nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh Điện Biên, nơi đầu mối giao thông huyết mạch nối liền thành phố Điện Biên Phủ với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc thông qua quốc lộ 6, huyện Tuần Giáo hội tụ khá đầy đủ các yếu tố của một trung tâm chính trị, văn hóa lớn. Nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển, phương châm được huyện Tuần Giáo đặt ra là phát triển thành đô thị loại 4, nâng cấp từ thị trấn lên thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2020. Trong đó, lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy tinh thần lao động sáng tạo của toàn đảng, toàn dân. Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, khai thác tiềm năng công nghiệp, các ngành dịch vụ, thương mại ở thị trấn Tuần Giáo sẽ vươn lên đóng vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế.

Nhìn lại 60 năm về trước, hôm nay, chúng ta có thể thấy được sự đổi thay kỳ diệu của huyện Tuần Giáo ngày hôm nay. Hình ảnh những bản làng nghèo đói ở nông thôn, các dãy nhà thấp, bé, tiều tụy đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những con đường trải nhựa, trải bê tông kéo dài như vô tận. Những công trình kiến trúc vươn cao với những khối phố khang trang, hiện đại đã nâng tầm vị thế, khẳng định sự phát triển của mảnh đất cửa ngõ. Có được vóc dáng và diện mạo ngày hôm nay, đó là kết quả của bao công sức, mồ hôi và cả xương máu, ý chí và nghị lực của rất nhiều thế hệ. Tất cả những điều đó, xứng đáng được ghi nhận và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo.

Tuy đã đạt được khá nhiều thành tựu, song việc phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Tuần Giáo vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng chưa thật bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém và chưa đồng bộ. Cơ sở phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, giảm nghèo chưa vững chắc, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. An ninh chính trị và một số vấn đề xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ nắm bắt thời cơ thuận lợi, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nắm vững và vận dụng sáng tạo có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, quyết tâm lãnh đạo nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hoàn chỉnh, chuẩn hóa; tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đã xác định trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện. Đồng thời, phát triển toàn diện các mặt văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa huyện Tuần Giáo vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.

Ngọc Thượng – Duy Hưng

.