Điện Biên in đậm bóng hình và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ Nhật, 06/10/2013, 09:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhận tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của dân tộc, một đảng viên lão thành, người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua đời hồi 18 giờ 09 phút, ngày 04/10/2013, tôi thảng thốt lặng người và tràn ngập niềm tiếc thương vô hạn.

Ngay sau khi được tin dữ, với tình cảm và trách nhiệm, tôi trở lại cơ quan chuẩn bị mấy việc mà theo tiên lượng phải đảm trách trong những ngày vĩnh biệt thương đau này. Hằng ngày, tôi thường lấy tài liệu nơi tủ sách cá nhân trong phòng làm việc, ngay vị trí trang trọng, dễ tìm, có hai ô sách viết chuyên đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần giở những cuốn sách các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài in có hình Đại tướng mà lòng quặn thắt. Song, điều an ủi nhất lúc này là vẫn như còn đâu đây hình bóng Đại tướng đang hiển hiện theo những dòng lịch sử đã ghi chép một cách linh thiêng, cao thượng, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi.

cx
Nhân dân Mường Phăng đón Đại tướng về thăm lại khu Sở Chỉ huy
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 2004

Đây cảnh những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, khi nước ta chưa giành được độc lập, như bao thế hệ người Việt Nam yêu nước khác, nghe theo tiếng gọi non sông và bằng tinh thần yêu nước chân chính vô hạn. Đặc biệt, khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, thông qua những quan điểm tư tưởng của Hồ Chủ Tịch, trong đó nổi bật là những nội dung về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, người thanh niên Võ Nguyên Giáp lúc đó có bí danh là Dương Hoài Nam, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi học ở Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng do có sự kiện 20/6/1940, Phát-xít Đức chiếm Pa-ri, cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Võ Nguyên Giáp đã cùng các đồng chí của mình là Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng được lệnh của đồng chí Hồ Chí Minh trở về nước để tổ chức, huấn luyện lực lượng và chuẩn bị các điều kiện cho việc xây dựng căn cứ địa Cao Bằng (tháng 10/1940).

Khi được Đảng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, mặc dù lực lượng mỏng, vũ khí trang bị còn hết sức thô sơ, song được sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, lực lượng vũ trang non trẻ của Việt Minh đã làm nên bao kỳ tích, từ chiến thắng Nà Ngần, Phai Khắt, đến hoạt động vũ trang hỗ trợ nhân dân khắp nơi nổi dậy cướp chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng 8-1945; chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950 và cả suốt trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, 30 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trên suốt chặng đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh của dân tộc Việt Nam, tên tuổi của đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với những chiến công vang dội, hào hùng của nhân dân ta, quân đội ta.

Ngày 28/5/1948, đồng chí là người đầu tiên của LLVT Việt Nam được phong quân hàm cấp Đại tướng và được giao nhiệm vụ làm Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá II, III và IV, Phó Thủ tướng Chính phủ từ năm 1978 đến năm 1992. Không chỉ là một học trò, một cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp còn là một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc. Những năm đất nước có chiến tranh, đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Đại tướng là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới năm 1950; Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, với trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt (tháng 12 năm 1972); chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, cụ thể là mệnh lệnh nổi tiếng nhất của Đại tướng “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, quân dân cả nước đã đồng sức, đồng lòng tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh (mùa xuân năm 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

103 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn một phần ba thế kỷ trực tiếp cầm quân, vị tướng huyền thoại, Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thể hiện rõ: Là Tướng nhân, ông hết mực yêu thương, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Là Tướng Nghĩa, ông luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết, trước hết; với đồng chí, đồng đội, luôn trước sau như một, nhất mực thuỷ chung. Là Tướng Trí, Đại tướng luôn biết phân biệt sự đúng sai, sử dụng đúng người, đúng việc. Trong lúc khó khăn biết cân nhắc việc tiến, việc lui trong điều quân để tránh tổn thất cho binh sĩ và giành chắc phần thắng. Là Tướng Dũng, mặc dù là vị Đại tướng đầu tiên của quân đội ta, đồng chí vẫn xông pha nơi trận mạc để chỉ đạo chiến dịch, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Là Tướng Tín, với cán bộ dưới quyền và binh sĩ, Đại tướng luôn trung thành vô hạn với con đường sáng mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra, đó là quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, dù phải hy sinh tất cả” cũng giành được độc lập cho dân tộc. Trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng, giữ nhiều cương vị công tác khác nhau do Đảng, Nhà nước phân công, ở cương vị nào, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng luôn thể hiện rõ trí tuệ, tinh thần và nghị lực của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, sự hiện thân của việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Khi đương thời là tướng cầm quân, ông thực sự xứng đáng là Tướng “nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín”. Khi không cầm quân, đồng chí vẫn giữ được lòng người và luôn ở trong trái tim mọi người.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-3-giaoducvietnam.jpg
Đại tướng trước cửa hầm xuyên sơn tại khu Sở Chỉ huy Mường Phăng

Hôm nay, trong những ngày đầu tháng 10 của năm 2013, khi chúng ta đi ngược lại khoảng thời gian gần 6 thập kỷ, như vẫn còn đây, ngày 01/01/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi họp với Bộ Chính trị để chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc, Người đã trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Tổng Tư lệnh – Chính ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng tất cả niềm tin tất thắng: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Mệnh lệnh của Bác được Đại tướng thực hiện hết sức nghiêm túc, sáng tạo, mang lại hiệu suất chiến đấu cao nhất trong việc chỉ huy chiến dịch. Chính sự trung thành, tận tuỵ, sáng tạo và anh dũng vô song, một tư chất cực kỳ quý báu của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nơi chiến trường, yếu tố “Tướng quân tại ngoại” được phát lộ. Sự ủy thác của Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch, được ông cụ thể hoá thông qua việc hoạch định những phương châm chiến đấu hết sức nhạy cảm, đúng đắn, táo bạo và cương quyết đó là: chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nguyên tắc chỉ huy cao nhất được ông áp dụng đó là “đánh chắc thắng”, đã góp phần làm giảm một cách đáng kể những hi sinh không cần thiết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Điều đó cũng chính là kết quả thắng lợi trong quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch, trong đó có những đóng góp to lớn của Vị tướng huyền thoại – Võ Nguyên Giáp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn vào 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954.

Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh, kiêm Chính uỷ đã giành toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã đến giai đoạn kết thúc thắng lợi. Giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ được ví như một trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, do ông cha ta đã làm nên trong nhiều thế kỷ trước đây. Đúng như Hồ Chủ Tịch đã viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một cột mốc bằng vàng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Nó chỉ rõ điểm rơi của chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời tạo thế mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới dâng cao. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng to lớn, oanh liệt của dân tộc Việt Nam mà còn là của cả loài người tiến bộ”.

Về công lao của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta, nhân dân, quân đội ta luôn đánh giá cao và ghi ông công đầu. Nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới coi Đại tướng là một biểu tượng của chiến thắng. Ngay cả những tướng lĩnh, học giả quân sự trên thế giới, trong đó có cả những nước đã từng gây chiến tranh với chúng ta cũng phải thừa nhận về tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những lời trân trọng nhất, kính phục nhất:

Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp... những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, cũng đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mác-xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị Tổng Tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng. Ước nguyện của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên: “Mong đón Đại tướng về thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), đã không thực hiện được”. Sự ra đi của Đại tướng để lại cho mỗi chúng ta một niềm sót thương vô hạn, sự đau đớn khôn nguôi.

Dù Đại tướng không còn hiện hữu trên cõi đời này nhưng mỗi cánh rừng, tấc đất, dòng sông, ngọn núi Điện Biên đều in đậm hình bóng Đại tướng. Trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên, quân và tất cả các tầng lớp nhân dân Điện Biên vẫn luôn mãi ghi nhớ hình ảnh, ý chí, tinh thần quyết tâm chiến đấu để chiến thắng của Đại tướng với tất cả những tình cảm kính trọng, quý mến, sâu đậm, đầy ắp, vẹn nguyên. Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vĩnh biệt “Anh Văn”, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người ông, người cha mà ý chí cách mạng, tình cảm nhân văn luôn được khắc sâu và ghi đậm trong lòng đồng chí, đồng bào Điện Biên.

Chúng tôi những thế hệ tiếp bước đồng chí sau hơn 1/2 thế kỷ, xin nguyện noi gương Đại tướng, quan tâm thực hiện tốt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết quân dân; ra sức phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, suốt đời phấn đấu, rèn luyện phẩm chất cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại; phát huy truyền thống Điện Biên Phủ năm xưa trong quá trình xây dựng Điện Biên hôm nay vững về chính trị, mạnh về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững mạnh; đoàn kết cùng nhau tạo ra thật nhiều “Điện Biên lớn nhỏ” trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà đồng chí đã căn dặn trong dịp về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 2004.

Xin vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa.

Vĩnh biệt “Anh Văn”, người anh Cả muôn vàn kính yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam; bậc hiền nhân trí dũng - sự hội tụ của tinh hoa văn hóa và nghệ thuật quân sự; người học trò xuất sắc, người cộng sự trung thành của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thế kỷ 20.

Tài năng, công đức và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lưu mãi trong lịch sử như là một trong những thủ lĩnh quân sự lớn nhất thế kỷ 20, người duy nhất đã lần lượt chỉ huy quân đội nước mình đánh bại đội quân xâm lược của Pháp và nước Mỹ.

Đảng, Tổ quốc, nhân dân và Quân đội ta đời đời ghi nhớ công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Tư Lệnh, kiêm Chính ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng năm xưa.
Trời, đất và quân, dân Điện Biên xin ngàn lần ghi nhớ công ơn sâu nặng của Đại tướng.

Xin bái biệt bậc “trí sĩ hiền nhân, trung quân ái quốc” Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng với tiền nhân tiên tổ - thiên thu vĩnh biệt.

                                                                                             
Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

.