UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11

Thứ Hai, 03/11/2014, 19:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 3/11, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp tháng 11 năm 2014. Tới dự có đồng chí Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Hoàng văn Nhân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Nội dung quan trọng được phiên họp thông qua đó là: Tờ trình danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trên địa bàn của tỉnh năm 2014; Tờ trình về quy định mức vận động đóng góp quỹ quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh quy hoạch phát triển cao su tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

c
Đồng chí Hoàng văn Nhân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11

 

Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 công trình, dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai; 20 công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ chuyển mục đích thực hiện công trình với tổng diện tích hơn 132ha, trong đó đất trồng lúa gần 29ha và đất rừng phòng hộ hơn 10ha.

Từ tờ trình quy định mức vận động đóng góp quỹ quốc phòng an ninh trên địa bàn thì đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đóng 400 nghìn đồng/1 đơn vị/1 năm; cơ quan cấp tỉnh đóng 200 nghìn đồng/năm, cấp huyện 100 nghìn đồng, cấp xã 50 nghìn đồng. Riêng đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đóng góp theo bậc thuế môn bài. Ngoài các mức đã được quy định, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình tự nguyện đóng góp cao hơn mức quy định.

Đối với tờ trình điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, căn cứ Thông tư số 58/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ đã đưa ra khỏi vùng quy hoạch phát triển cao su, trong giai đoạn tới diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang quy hoạch phát triển cao su tỉnh Điện Biên đến năm 2020 đều thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Để phát triển được 20 nghìn ha cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 thì phải chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất có rừng nghèo thuộc quy hoạch phát triển rừng sản xuất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cao su. Trong quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng năm 2030 cần tập trung chế biến nông - lâm sản, dệt may, mây tre đan, sửa chữa... Tập trung phát triển những ngành nghề có tiềm năng, xây dựng các mô hình phát triển bền vững để tiến hành nhân rộng, tập trung phát triển và xây dựng hình ảnh của ngành nghề nông thôn, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với bản sắc văn hóa của tỉnh.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt còn hạn chế, vướng mắc và những giải pháp tập trung cần tháo gỡ thực hiện.

Kết luận phiên họp, đồng chí Hoàng Văn Nhân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong quản lý đất đai đã có nhiều cố gắng song hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chính vì thế các ngành chức năng cần phối hợp với các huyện rà soát để phân loại các dự án ưu tiên thuộc danh mục cần thu hồi và danh mục chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với tờ trình điều chỉnh quy hoạch cao su ưu tiên trước mắt trồng những diện tích dưới 600m, đối với diện tích từ 600 đến 700m sẽ thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Cao su Việt Nam có kế hoạch triển khai cụ thể sau. Riêng việc quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cần đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế để có cơ chế chính sách thúc đẩy các ngành nghề nông thôn phát triển. Đồng chí Hoàng Văn Nhân cũng yêu cầu các sở, ngành hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, các văn bản để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong thời gian tới./.

 

Như Quỳnh - Văn Hùng    
 

.