UBND tỉnh tiếp tục trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Điện Biên và TP.Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 15/12/2014, 16:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử tiếp tục tổng hợp kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh tới cử tri huyện Điện Biên và TP.Điện Biên Phủ xoay quanh việc: Đền bù giải phóng mặt bằng, việc đề nghị điều chỉnh mức phí bảo trì đường bộ, các chế độ đối với trưởng ban công tác mặt trận phố bản, thông báo cho cử tri biết tình hình, kết quả giải quyết vụ việc của Công ty TNHH Hoàng Lâm...

VI. Các kiến nghị của cử tri xã Pá Khoang, huyện Điện Biên

1. Đề nghị đền bù cho các hộ dân có đất đã được quy hoạch làm công trình AD05

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Phương án đền bù giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình AĐ-05 đã UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 18/01/2007; theo đó tổng diện tích thu hồi là 568,8 ha và được chia thành nhiều giai đoạn; giai đoạn 1 đã thực hiện đền bù GPMB và thu hồi 91 ha vào năm 2008. Diện tích 477,8 ha còn lại chưa tổ chức bồi thường do chưa bố trí được kinh phí. Do vậy, nhân dân có đất trong diện tích 477,8 ha vẫn được tiếp tục canh tác, sản xuất bình thường cho đến khi được nhà nước thu hồi và đền bù theo quy định hiện hành.

Công trình AĐ-05 là công trình thuộc bí mật nhà nước; vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt là Tổ đại biểu huyện Điện Biên phối hợp tuyên truyền, giải thích trong quá trình tiếp xúc cử tri để nhân dân hiểu, yên tâm tiếp tục canh tác sản xuất trên diện tích đất nói trên, tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra.     

2. Tỉnh sớm chỉ đạo các đơn vị bàn giao quản lý và sử dụng diện tích mặt nước lòng hồ Pá Khoang cho UBND xã Pá Khoang.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Ngày 17/9/2014, tại Trụ sở UBND xã Pá Khoang, UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Đảng ủy, HĐND, UBND xã Pá Khoang để bàn và thống nhất về việc giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, quản lý và khai thác mặt nước hồ Pá Khoang. Kết quả cuộc họp đã được UBND tỉnh thống nhất ban hành trong Thông báo số 68/TB-UBND ngày 24/9/2014; theo đó, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên, Ban quản lý dự án du lịch Pá Khoang và Đầu tư xây dựng tỉnh Điện Biên bàn giao lại nhiệm vụ khai thác nuôi trồng thủy sản cho UBND xã Pá Khoang, thời gian hoàn thành trước ngày 10/10/2014. UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri, đồng thời yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Đề nghị chỉ đạo Ban quản lý rừng đặc dụng Mường Phăng trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm triển khai cắm mốc, phân rõ ranh giới rừng đặc dụng thuộc khu vực xã Mường Phăng và xã Pá Khoang để quản lý có hiệu quả.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tại mục 1 Thông báo số 68/TB-UBND ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng làm việc với các đơn vị liên quan, tiếp nhận toàn bộ diện tích rừng, đất rừng đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án du lịch Pá Khoang và đầu tư xây dựng tỉnh Điện Biên, để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên với diện tích rừng và đất rừng khá lớn nên cần phải có thời gian để đánh giá lại hiện trạng rừng, đất rừng để hoàn tất hồ sơ, thủ tục bàn giao; vì vậy, sau khi nhận bàn giao xong, yêu cầu Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng có trách nhiệm làm việc với UBND xã Mường Phăng và Pá khoang để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo quy định hiện hành.

VII. Các kiến nghị của cử tri thành phố Điện Biên Phủ

1. Đề nghị tỉnh thực hiện chính sách đối với Trưởng ban Công tác mặt trận các phố bản trong tỉnh (Hiện nay, duy nhất tỉnh Điện Biên chưa thực hiện chế độ hỗ trợ ban công tác tác mặt trận các phố bản).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Thực hiện Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Nghị định số 29/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến này Bộ Tài chính chưa cấp bổ sung phần kinh phí tăng thêm cho địa phương (trên 30 tỷ đồng mỗi năm); khi được Bộ Tài chính cấp bổ sung phần kinh phí tăng thêm UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, mức khoán quy phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong phạm vi mức khoán quỹ phụ cấp của Trung ương cho địa phương.

2. Chế độ nâng lương đối với các đồng chí tái cử trong ban chấp hành Hội Cựu chiến binh (theo NQ 29 của Chính phủ ).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 29/2013/NĐ-CP: Riêng đối với Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, ngoài lương hiện hưởng, hằng tháng được hưởng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm. Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp bậc 1, nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm”. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương chưa bố trí được kinh phí nên chưa thực hiện các chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, bản, tổ dân phố. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến cử tri, khi cân đối được nguồn kinh phí để thực hiện chính sách trên, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua phương án triển khai, thực hiện Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

3. Đề nghị tỉnh điều chỉnh mức phí bảo trì đường bộ đối với xe máy (hiện nay mức thu phí cao hơn nhiều tỉnh bạn). Biên lai thu phí không đảm bảo cho việc bảo quản để xuất trình khi tham gia giao thông và có chế tài xử lý những trường hợp không tham gia nộp phí bảo trì đường bộ.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Ngày 13/5/2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 302/2013/NQ-HĐND quy định mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh; theo đó, mức thu trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ đối với xe mô tô có dung tích xy lanh đến 100 cm3 là 100.000 đồng/năm, xe mô tô có dung tích xy lanh trên 100 cm3 là 150.000 đồng/năm. Mức thu đang áp dụng bằng mức tối đa quy định tại Thông tư liên tịch số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. UBND tỉnh sẽ đánh giá tình hình thực hiện, trình HĐND tỉnh xem xét, giữ nguyên mức thu phí bảo trì đường bộ đã ban hành.

Về Biên lai thu phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 thay thế biên lai cũ bằng biên lai bìa cứng in sẵn mệnh giá để đảm bảo cho việc bảo quản, sử dụng khi tham gia giao thông.

Các trường hợp không tham gia nộp phí bảo trì đường bộ sẽ được xử lý theo quy định tại Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí.

4. Thông báo cho cử tri biết tình hình, kết quả giải quyết vụ việc của công ty Hoàng Lâm: Hiện nay việc thu hồi nợ như thế nào? Việc xử lý cán bộ như thế nào?

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Về thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đôn đốc, yêu cầu Công ty nộp lại toàn bộ số số kinh phí đã nhận về ngân sách nhà nước. Đến ngày 22/9/2014, Công ty đã nộp lại đủ 26,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính.

Về khắc phục nhà máy: Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị các loại với tổng số tiền 19,083 tỷ đồng; trong đó, các loại máy móc đã xuất trình được hóa đơn là 13,82 tỷ đồng, các loại máy móc chưa xuất trình được hóa đơn là 5,263 tỷ đồng; đồng thời đầu tư xây dựng thêm các nhà xưởng mới, cải tạo văn phòng, xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên và một một số hạng mục khác, với tổng mức đầu tư khoảng 25,84 tỷ đồng. 

Về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan: Ngay sau khi Bộ Tài chính có kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã banh hành văn bản số 97/UBND ngày 10/01/2014, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan. Sau khi xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 187/UBND-TH ngày 28/11/2014 yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc trên; thời hạn báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 31/12/2014. Thời gian tới, khi có kết quả cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh.

5. Cử tri phường Tân Thanh kiến nghị

a) Hiện nay, hệ thống đèn cao áp chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố nhiều nơi bị hư hỏng nặng, đặc biệt là khu vực tổ dân phố 24, phường Tân Thanh (đoạn từ đường đôi sân vận động thành phố qua đồi thông cổng sau trường Cao đẳng Sư phạm đến đường Sùng Phái Sinh); có chỗ 6 - 7 cột đèn cao áp nhưng chỉ có 01 bóng sáng, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân trong đêm cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét khắc phục, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng khu vực trên.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và giao cho UBND thành phố Điện Biên Phủ kiểm tra cụ thể để có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời hệ thống hệ thống đèn cao áp chiếu sáng công cộng do thành phố quản lý.

b) Chỉ đạo Ban Quản lý dự án chuyên ngành, sở Xây dựng giải quyết thanh toán tiền hỗ trợ vật kiến trúc, cây cối hoa màu (dự án làm đường vào tổ 1, tổ 2) từ năm 2005 đến nay vẫn chưa thanh toán cho nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để giải quyết dứt điểm các khiếu nại kéo dài của nhân dân tổ dân phố 2, 3 phường Tân Thanh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3553/UBND-CN ngày 22/9/2014, yêu cầu Sở Xây dựng, Ban QLDA chuyên ngành xây dựng (Chủ đầu tư dự án), UBND thành phố Điện Biên Phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ để thẩm định, phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và sử dụng nguồn kinh phí được thu hồi tạm ứng của dự án để chi trả dứt điểm cho các hộ dân tại tổ dân phố 2, 3 phường Tân Thanh trước ngày 20/11/2014. Đến nay, các đơn vị trên mới đang hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục trình phê duyệt.

UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 3553/UBND-CN ngày 22/9/2014. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trước ngày 30/01/2015.

6. Cử tri phường Thanh Trường kiến nghị

a) Thông báo cho nhân dân biết khi nào triển khai thực hiện dự án khu đô thị Nam Thanh Trường để nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Đô thị Nam Thanh Trường, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (trước đây là dự án đô thị Hoàng Anh) đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2011, đây là dự án quan trọng phục vụ cho việc phát triển thành phố Điện Biên Phủ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; việc triển khai thực hiện dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương tại Thông báo số 532-TB/TU ngày 15/4/2014.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do nảy sinh một số khó khăn vướng mắc về công tác quản lý địa giới hành chính giữa UBND thành phố Điện Biên Phủ với UBND huyện Điện Biên và do sự thay đổi về cơ chế chính sách theo các quy định của Luật đất đai năm 2013 nên đến nay dự án chưa được khởi công xây dựng.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, Ban cán sự  Đảng UBND tỉnh đã báo cáo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện dự án tại Thông báo số 645-TB/TU ngày 17/10/2014. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành chức năng, UBND thành phố Điện Biên Phủ, UBND huyện Điện Biên chuẩn bị nội dung liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến giải quyết các khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc phối hợp việc triển khai thực hiện dự án trên theo đúng quy định hiện hành.

b) Đề nghị tỉnh xử lý, giải quyết các trường hợp UBND huyện Điện Biên ban hành quyết định chuyển đổi đất lúa sang đất ở trên địa bàn phường (trước thời điểm thành lập phường Thanh Trường).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh, UBND thành phố Điện Biên Phủ, UBND huyện Điện Biên, các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các trường hợp có vi phạm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất ở trên địa bàn phường Thanh Trường (C13); xác định rõ các sai phạm, đối tượng có liên quan để báo cáo và tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

7. Cử tri phường Thanh Bình, phường Thanh Trường kiến nghị

a) Đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, bố trí đặt trạm cân trọng tải xe phù hợp tránh ô tô trọng tải lớn trốn, tránh trạm cân đi vào đường dân sinh làm hỏng đường.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát tải trọng xe lưu thông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Công an Tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch liên ngành số 3079/KHLN-SGTVT-CAT ngày 21/10/2014 về việc phối hợp kiểm tra, xử lý cương quyết đối với phương tiện vận tải đường bộ chở hàng hóa quá tải trọng, hoặc tự ý cải tạo phương tiện để vận chuyển hàng hóa vượt tải trọng lưu thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo Kế hoạch, các vị trí lựa chọn để đặt trạm kiểm tra tải trọng xe gồm: Km192+200, Km192+600, Km190+300 Quốc lộ 12 và Km71+300 Quốc lộ 279 đây là địa bàn trọng điểm thường xuyên có xe chở hàng hóa lưu thông. Đến nay, tình trạng xe ô tô trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số lái xe dùng các thủ đoạn để trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe. UBND tỉnh tiếp tục giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp dùng thủ đoạn để trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe; đồng đề nghị các cử tri khi phát hiện các trường hợp xe tải nặng đi vào đường dân sinh để trốn tránh trạm cân kịp thời thông báo tới Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh để xử lý theo quy định.

b) Đề nghị tỉnh chỉ đạo công ty cấp nước Điện Biên cải tạo tuyến ống nước sinh hoạt tại  Tổ dân phố 13, 14, 15 phường Thanh Bình vì đường nước quá yếu, nhiều bùn bẩn, chất lượng nước không hợp vệ sinh.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hệ thống đường ống cấp nước của các tổ dân phố 13,14,15 phường Thanh Bình được đầu tư từ năm 1997 bằng ống thép tráng kẽm. Đến nay, do thời gian sử dụng đã lâu nên hệ thống đường ống cấp nước bị xuống cấp, gây thất thoát nước, dẫn đến hiện tượng giảm áp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong khu vực. Hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Điện Biên đang tập trung nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Hệ thống cấp nước thành phố Điện Biên Phủ giai đoạn II để nâng công suất nhà máy lên 16.000m3/ngày đêm; do đó, Công ty chưa triển khai được việc cải tạo, nâng cấp hệ thống tuyến ống tại khu vực tổ dân phố 13,14,15 phường Thanh Bình.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Điện Biên khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố, đồng thời tìm kiếm, huy động các nguồn vốn hợp pháp để sớm cải tạo, sửa chữa nâng cấp tuyến ống tại khu vực trên, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực

8. Cử tri phường Mường Thanh kiến nghị

a) Hiện tại tổ dân phố 11, 12 nằm trong quy hoạch công viên cây xanh theo quy hoạch của tỉnh, UBND thành phố đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh qui hoạch để phù hợp với hiện trạng sử dụng đất hiện nay của các hộ gia đình nhưng đến nay UBND tỉnh chưa có văn bản trả lời. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tế hiện trạng, đảm bảo với nguyện vọng của nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc đầu tư xây dựng công viên cây xanh tại tổ dân phố 11, 12 phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số người dân trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và xu thế phát của đô thị, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Bộ Xây dựng, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất và được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 05/8/2011.

Để không phá vỡ quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đã được phê duyệt, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Điện Biên Phủ nghiêm túc triển khai thực hiện phương án quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ theo đúng phê duyệt của UBND tỉnh; đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Đề nghị cử tri tổ dân phố 11, 12 phường Mường Thanh nói riêng và cử tri trên địa bàn tỉnh nói chung vì lợi ích chung của đồng và vì sự phát triển của các đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án tư xây dựng các khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí trên địa bàn.

Đồng thời UBND thành phố chịu trách nhiệm khác phục những tồn tại trong quả lý quy hoạch, quản lý đất đai do UBND thành phố gây ra (nếu có).

b) Cử tri tổ dân phố 25 đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương giải phóng mặt bằng để giải quyết đường đi của nhân dân tổ dân phố 25 (đường sau sở Y tế) theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân (cử tri đã kiến nghị nhiều lần).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc đầu tư tuyến đường đi của nhân dân tổ dân phố 25 (đường sau sở Y tế) để các hộ dân không phải đi nhờ qua sân của Trung tâm Y tế dự phòng là rất cần thiết. Do đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 1813/UBND-TH ngày 17/7/2013 để đồng ý chủ trương triển khai đầu tư xây dựng công trình: Đường bê tông và rãnh thoát nước tổ dân phố 25, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ với chiều dài 155 m, tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng; công trình được triển khai thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm “Nhà nước đầu tư xây dựng, nhân dân hiến đất” 

Đến nay, UBND thành phố Điện Biên Phủ vẫn chưa triển khai được dự án trên; nguyên nhân là do việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất thực hiện dự án chưa thực hiện hiện được. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố tiếp tục vận động người dân tham gia thực hiện Dự án xây dựng đường bê tông và rãnh thoát nước tổ dân phố 25, phường Mường Thanh theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm “Nhà nước đầu tư xây dựng, nhân dân hiến đất” theo phương án đã xây dựng ttrước đây.  

c) Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc giải tỏa, giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân dự án xây dựng Quảng trường 7/5 đã được triển khai hơn 15 năm.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để triển khai xây dựng Trung tâm hội nghị - Văn hoá tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) đã thu hồi đất, giao đất cho Văn phòng UBND tỉnh (chủ đầu tư) tại Quyết định 1250/QĐ-UB ngày 11/9/2001 và Quyết định 1964/QĐ-UB ngày 14/11/2002 với tổng diện tích là 23.580m2. Đến thời điểm hiện tại, đã có 28/36 hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vị giải phóng mặt bằng của dự án đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình; còn 08 hộ gia đình, cá nhân (các hộ gia đình này có đất bị thu hồi nằm ở phía sau của Trung tâm Hội nghị) chưa nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng với lý do: đơn giá bồi thường về đất và tài sản thấp, khu đất dự kiến bố trí tái định cư tại thời điểm đó (khu quy hoạch phía đông sân bay thuộc phường Thanh Bình năm 2002) chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, đường) và chưa tương xứng với giá trị khu đất bị thu hồi. 

Trong những năm qua, các Sở, ngành tỉnh và UBND thành phố Điện Biên Phủ, UBND phường Mường Thanh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh các phương án, giải pháp để xử lý tồn tại trên nhưng đến nay các hộ gia đình vẫn chưa nhận tiền đền bù và chưa bàn giao mặt bằng.

Trước tình hình trên, ngày 19/9/2014, UBND thành phố Điện Biên Phủ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã họp bàn phương án tham mưu cho UBND tỉnh xử lý dứt điểm vụ việc trên. UBND thành phố Điện Biên Phủ đã có báo cáo số 221/BC-UBND ngày 13/10/2014 gửi UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý đối với việc triển khai dự án. Tuy nhiên phương án đề xuất chưa đề xuất được phương án tái định cư, phương án xử lý chuyển tiếp các phương án bồi thường; kinh phí để triển khai thực hiện; phương án xử lý các hộ tự ý lấn chiếm, sử dụng sai mục đích,... do dự án tồn tại đã lâu.

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm vụ việc trên theo quy định hiện hành và báo cáo HĐND tỉnh.

9. Cử tri phường Him Lam kiến nghị: Đầu tư dứt điểm công trình nhà thi đấu đa năng Tỉnh để phát huy hiệu quả của công trình.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án tổng thể đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên được phê duyệt và dự kiến đầu tư 3 giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn I: Đầu tư một số hạng mục công trình gồm:

- Công tác đền bù giải toả, san nền, gia cố ta luy trên diện tích đất 3,8 ha.

- Xây dựng Nhà thi đấu thể thao tổng hợp (kèm trang thiết bị); hạ tầng kỹ thuật và một số các hạng mục phụ trợ.

Tổng mức đầu tư giai đoạn I: 159,2 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư: Vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn hỗ trợ mục tiêu theo Nghị quyết 37 (vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng).

Nội dung đầu tư giai đoạn I được chia thành 15 gói thầu chính, tới nay 14/15 gói thầu đã hoàn thành; 01 gói thầu (gói hạ tầng kỹ thuật) do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm tiến độ dẫn đến một số nội dung của gói thầu không triển khai được, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang phấn đấu hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 12 năm 2014.

2. Giai đoạn II: Đầu tư khu bể bơi, thiết bị, nhà hành chính, y tế và một số hạng mục phụ trợ đồng bộ, hoàn chỉnh.

3. Giai đoạn III: Đầu tư sân vận động, trang thiết bị, hội trường đa năng, giảng đường, trường bắn thể thao và một số hạng mục phụ trợ đồng bộ.

Phản ánh của cử tri là hoàn toàn phù hợp, chính đáng. Đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp đòi hỏi nguồn vốn và thời gian, đem lại giá trị, hiệu quả quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh khẳng định dự án vấn tiếp tục được thực hiện năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, theo phản ánh dự án mới triển khai thực hiện 1/10 gói thầu là chưa sát với thực tế, tiến độ dự án chưa đảm bảo do một số nguyên nhân sau:

- Dự án thực hiện trên diện tích rộng và tập trung đông dân cư, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn; việc khiếu nại của dân dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thường xuyên và kéo dài.

- Giai đoạn II của dự án nhu cầu quỹ đất sử dụng 119.758 m2; đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho 160 hộ dân, tới nay chưa có phương án khả thi bố trí quỹ đất tái định cư.

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn hiện nay những công trình không rõ nguồn vốn thì phải đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện, chỉ bố trí cho các dự án cấp bách.

- Công trình có tổng mức đầu tư lớn, nhiều hạng mục; việc cân đối, bố trí kế hoạch vốn cho công trình chưa được các Bộ, ngành Trung ương bố trí đủ vốn; dự án thực hiện từ năm 2003 đến nay, là giai đoạn giá nguyên vật liệu xây dựng có sự biến động lớn, dự án phải điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư nhiều lần.

Trước những tồn tại như trên, UBND tỉnh chủ trương:

- Đối với các hạng mục đã đầu tư của dự án, cần quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích phát huy cao nhất giá trị công trình.

- Chủ động báo cáo Chính phủ bố trí vốn thực hiện dự án trong thời gian tới.

10. Cử tri xã Tà Lèng kiến nghị: Sớm ban hành quyết định thu hồi dự án 1km tuyến đường Noong Bua - Pú Nhi - Na Son (đoạn qua trung tâm hành chính xã Tà Lèng đã phê duyệt và khởi công từ năm 2011) và thanh toán tiền bồi thường về đất cho nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố kiểm tra, rà soát hồ sơ, trình tự, thủ tục của dự án trên theo như kiến nghị của cử tri, trên cơ sở đó thông báo và trả lời cho cử tri theo quy định. Nếu dự án chưa lập phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.

11. Cử tri xã Thanh Minh kiến nghị

a) Đầu tư xây dựng Nhà văn hoá của bản Púng Tôm, xã Thanh Minh theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh (Sở Văn hoá -TTDL tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát thiết kế 3 năm nay).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án đầu tư xây dựng bản văn hóa Púng Tôm xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 20/9/2010, trong đó giao UBND thành phố Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện và đốn đốc tiến độ. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nên chưa cân đối, bố trí được vốn để triển khai thực hiện dự án.

UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và giao UBND thành phố Điện Biên Phủ sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư đối với công trình nhà văn hóa bản Púng Tôm khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư hàng năm, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định khi cân đối được nguồn lực đầu tư theo quy định.

b) Đề nghị tỉnh chỉ đạo Điện lực tỉnh trả lời cho nhân dân biết việc lắp đặt chuyển đường dây điện sang cột điện mới lại thu 80.000 đồng để mua các thiết bị (đai, kẹp móc). Việc thu đó có đúng không? thực hiện theo văn bản nào?

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Trong thời gian qua, các hộ dân tại khu vực Cảnh Quang, xã Thanh Minh đã đề nghị với Điện lực Thành phố Điện Biên Phủ lắp đặt di chuyển đường dây điện của các hộ gia đình sang cột điện mới. Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực thì việc lắp đặt chuyển đường dây điện sang cột điện mới do nhu cầu của khách hàng cần di chuyển và được sự đồng thuận của bên bán điện thì bên bán điện sẽ thực hiện việc di chuyển, khách hàng phải chịu phí di chuyển. Do đó, việc thu tiền của các hộ trên là đúng quy định. UBND tỉnh giao cho Điện lực tỉnh báo cáo cụ thể với nhân dân khu vực Cảnh Quang, xã Thanh Minh.   

c) Đề nghị tỉnh chỉ đạo công ty cấp nước Điện Biên quan tâm đầu tư dự án đường nước sạch cho nhân dân tổ dân phố 1, 2 và khu trung tâm xã Thanh Minh để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Điện Biên đang triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Hệ thống cấp nước thành phố Điện Biên Phủ giai đoạn II, nâng công suất nhà máy nên 16.000m3/ngày đêm. Theo đó, đoạn qua khu vực xã Thanh Minh được đầu tư xây dựng hệ thống đường ống cấp I có đường kính F125 chạy dọc quốc lộ 279 để cấp cho khu vực tổ dân phố 1, 2 và khu trung tâm xã Thanh Minh, tuyến đường ống này dự kiến sẽ được thi công trong quý I/2015. Hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Điện Biên đang tập trung nguồn lực để triển khai dự án nên chưa triển khai đầu tư hệ thống mạng lưới cấp II, III để cấp nước vào các hộ gia đình trong khu vực trên.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Điện Biên khẩn trương tìm kiếm, huy động các nguồn vốn hợp pháp để sớm đầu tư hệ thống mạng lưới cấp II, III tại khu vực trên, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực

12. Cử tri phường Noong Bua kiến nghị: Nhân dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn phường Noong Bua đã được hưởng tiền hỗ trợ đời sống trong 3 năm, song đến thời điểm hiện tại đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị Tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ nhân dân thêm 2 năm tiếp theo để nhân dân tái định cư khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Nội dung kiến nghị này của cử tri, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ; hiện tại, nội dung này đang được UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cho phép kéo ài thời gian hỗ trỡ đời sống cho nhân dân. UBND thành phố rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế và giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

(còn nữa)

 

BBT

.