UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Mường Nhé và Nậm Pồ

Thứ Sáu, 12/12/2014, 10:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII, UBND tỉnh đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 12 đến trước kỳ họp thứ 13. Trang Thông tin Điện tử tổng hợp kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Mường Nhé và Nậm Pồ.

c
Đồng chí Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri

I. Các kiến nghị của cử tri huyện Mường Nhé

1. Cử tri xã Leng Su Sìn kiến nghị

a) Đường điện sinh hoạt đã kéo về đến một số bản nhưng đến nay chưa được đóng để sử dụng, đề nghị tỉnh chỉ đạo Điện lực tỉnh và các ngành liên quan đóng điện sinh hoạt cho nhân dân các thôn bản.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Sau khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Điện lực tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án lưới điện nông thôn II bằng vốn vay ngân hàng thế giới. Đến ngày 5/12/2014, các hộ dân (400 hộ) xã Leng Su Sìn đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

b) Kiến nghị nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng không phải thế chấp tài sản.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo quy định tại Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên mức cho vay cụ thể  đối với từng hộ phụ thuộc vào phương án sản xuất của hộ đó và do Ngân hàng chính sách xã hội quyết định. Vì vậy, thời gian tới UBND tỉnh sẽ phối hợp với  Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để hướng dẫn cụ thể.

2. Cử tri xã Chung Chải kiến nghị:Trong quá trình thi công dự án làm đường giao thông đi lối mở A Pa Chải do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã làm sạt lở đất đá lấp vào đất ruộng của hộ gia đình ông Toán Chừ Cả với diện tích hơn 7.000m2 nhưng đến nay chưa được xem xét, đền bù. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét giải quyết đền bù đất cho dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Công tác GPMB dự án đầu tư tuyến đường Mường Nhé - Chung Chải - A Pa Chải đã hoàn thành từ năm 2009. Qua kiểm tra hồ sơ, hộ gia đình ông Toán Chừ Cả không có tên trong phương án bồi thường GPMB đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND huyện Mường Nhé kiểm tra, xác định cụ thể và báo cáo kết quả về HĐND tỉnh, UBND tỉnh trước ngày 30/12/2014.

II. Các kiến nghị của cử tri huyện Nậm Pồ

1. Sở Y tế tỉnh Điện Biên xem xét, kiểm tra việc thu tiền khám sức khỏe thi lấy bằng xe máy trong thời gian vừa qua trên địa bàn 2 huyện: Huyện Mường Nhé thu 90.000 đồng/lần khám, huyện Mường Chà thu 200.000 đồng/lần khám.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo quy định tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/12/2013 của UBND tỉnh, phí khám sức khỏe toàn diện lái xe là từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi lượt (bao gồm cả các chi phí xét nghiệm, X-quang… ); phí khám sức khỏe định kỳ là 98.000 đồng (không bao gồm xét nghiệm, X-quang..). Do kiến nghị của cử tri chưa nêu rõ phí khám sức khỏe trên thuộc loại hình dịch vụ nào trong 02 loại hình trên nên UBND tỉnh chưa có cơ sở để trả lời cụ thể về kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, trước phản ánh của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Y tế kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện của các Trung tâm Y tế để đảm bảo thực hiện đúng quy định và sẽ trả lời cụ thể về kiến nghị trên của cử tri.

 2. UBND tỉnh, các Sở ngành quan tâm, sớm đầu tư xây dựng trung tâm y tế huyện Nậm Pồ (Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ hiện nay đang hoạt động nhờ phòng khám đa khoa xã Nà Hỳ) để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc cử tri kiến nghị đầu tư xây dựng trung tâm y tế huyện Nậm Pồ là cần thiết. Tuy nhiên, do kinh phí để đầu tư xây dựng mới Trung tâm y tế huyện khá lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn rất hạn chế nên UBND tỉnh xin ghi nhận và sẽ xem xét, ưu tiên đầu tư khi có đủ điều kiện và cân đối, bố trí được nguồn lực.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện, UBND tỉnh đã cho triển khai thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp phòng khám đa khoa khu vực Nà Hỳ thành cơ cơ sở tạm Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa huyện Nậm Pồ (tại Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 07/7/2014) với tổng mức đầu tư 12.922 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2015-2017. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết phần nào nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện.

3.Tiền thù lao cho cộng tác viên dân số 50.000đồng/tháng như hiện nay là quá thấp. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm và có ý kiến với bộ ngành Trung ương điều chỉnh, nâng mức thù lao nên cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Từ năm 2013 trở về trước, mức thù lao cho cộng tác viên dân số là 50.000 đồng/người/tháng (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 17/4/2008 của liên Bộ: Tài chính - Y tế). Từ năm 2013 đến nay, mức thù lao đã được nâng lên 100.000 đồng/người/tháng (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 20/02/3013 của liên Bộ: Tài chính - Y tế). Để đảm bảo quyền lợi của các cộng tác viên dân số, UBND tỉnh giao Sở Y tế kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả kiểm tra về HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong tháng 01/2015; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

4. Tổng số học sinh của 2 huyện Mường Chà, Mường Nhé bàn giao về cho huyện Nậm Pồ 13.205 học sinh. Năm học 2013-2014 tổng số học sinh là: 15.387, tăng hơn 2.000 học sinh và tăng 64 lớp nhưng đội ngũ giáo viên không tăng rất khó khăn trong đảm bảo sự nghiệp giáo dục huyện Nâm Pồ. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét, bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo cho huyện.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Trong kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2013, UBND tỉnh đã trình và đề nghị  Bộ Nội vụ tăng thêm cho tỉnh 1.466 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ chỉ giao tăng thêm 359 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo (Thiếu 1.107 biên chế so với kế hoạch đề nghị). Sau khi xin ý kiến thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao bổ sung 57 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho huyện Nậm Pồ, nâng tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo của huyện Nậm Pồ lên 1.529 biên chế. Tình trạng thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong năm học 2014 - 2015 và các năm tiếp theo. Trong thời gian tới, căn cứ Kế hoạch và Đề án cụ thể của từng địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ tăng thêm biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho tỉnh trong năm 2015.

5. Tuyến đường Chà Tở - Nậm Khăn được UBND huyện Mường Chà phê duyệt tổng mức đầu tư là 10.478 triệu đồng với chiều dài 3.764m do Doanh nghiệp Miền Đông thi công từ năm 2009. Đến năm 2011 doanh nghiệp dừng thi công và bỏ đi không rõ lý do gì, khối lượng thực hiện được khoảng 50%.  Hiện tại một số hạng mục của công trình đã xuống cấp người dân đi lại rất khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa. Huyện Nậm Pồ đã có ý kiến với huyện Mường Chà nhiều lần nhưng đến nay công trình trên vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo huyện Mường Chà để công trình sớm được triển khai thi công hoàn thành và phát huy được hiệu quả.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án đường Chà Tở - Nậm Khăn được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt quyết định đầu tư từ tháng 9 năm 2009 (Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 22/9/2009) và được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2009. Tuy nhiên, dự án Đường Chà Tở - Nậm Khăn là một trong những dự án phải dãn hoãn tiến độ theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ nên đã phải dừng thi công.

Trong khi chưa cân đối được nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Mường Chà (chủ đầu tư) phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ tiến hành hoàn thiện hồ sơ quyết toán, tạm dừng kỹ thuật, quản lý, sử dụng có hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường.

6. Tuyến đường từ trung tâm xã Na Cô Sa - Huổi Thủng 3 và tuyến đường trung tâm xã Na Cô Sa vào bản Na Cô Sa 3 đã triển khai thực hiện từ năm 2011 do huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư nhưng đến nay chưa hoàn thành, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân xã Na Cô Sa. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo huyện Mường Nhé đầu tư dứt điểm để công trình sớm hoàn thành và phát huy được hiệu quả.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Công trình đường trung tâm xã Na Cô Sa – Huổi Thủng 3 và công trình đường Huổi Thủng – Na Cô Sa A được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên (trong đó thành lập mới huyện Nậm Pồ). Sau khi huyện Nậm Pồ được thành lập, 02 công trình trên thuộc địa bàn huyện Nậm Pồ nhưng do đang thi công dở dang nên UBND tỉnh tiếp tục giao cho UBND huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án và giao UBND huyện Nậm Pồ có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công những phần còn lại của công trình. 

Đến nay, việc triển khai thi công 2 công trình trên bị chậm tiến độ; nguyên nhân là do một số hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền đền bù theo phương án bồi thường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã niêm yết công khai tại xã nên chưa hoàn thành công tác đền bù GPMB để triển khai thi công phần khối luwọng đã phê duyệt. Trách nhiệm này trươc hết thuộc về UBND huyện Mường Nhé, UBND huyện Nậm Pồ trong việc phối hợp giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác GPMB, yêu cầu UBND 02 huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời tập trung xử lý những tồn tại, vướng mắc trên để sớm hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công những khối lượng còn lại của công trình, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

7. Cử tri xã Nà Hỳ kiến nghị: UBND tỉnh và các sở ngành cho phép tận thu khai thác gỗ làm nhà ở tại chỗ cho các hộ gia đình nghèo chưa có nhà (nhà ở tạm bợ, dột nát hoặc mới tách hộ).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Đến thời điểm hiện nay, huyện Nậm Pồ đã hoàn thành việc giao rừng theo Kế hoạch số 388/KH-UBND của UBND tỉnh, theo số liệu giao rừng, đa phần diện tích rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã được giao cho cộng đồng dân cư (bản), hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ. Theo quy định tại điều 17 Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm quyền phê duyệt, cấp phép khai thác cho đối tượng là hộ gia đình thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Do đó, để được khai thác gỗ làm nhà ở, các hộ gia đình (chủ rừng) đến UBND cấp huyện (trực tiếp là Hạt kiểm lâm) để được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục.

(còn nữa)

BBT

.