Mùa Xuân nghĩ về Đảng

Chủ Nhật, 01/02/2015, 10:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hơn tám thập kỷ đã qua, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cả dân tộc ta lại hân hoan đón chào một năm mới, cùng với đó là mừng một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này dường như được đất trời và lịch sử sắp đặt sẵn: Đảng và mùa Xuân, mùa Xuân và Đảng! Ngày thành lập của Đảng ta cũng là ngày khởi đầu của một mùa Xuân. Điều đó cũng đồng nghĩa với Đảng ta là mùa Xuân của dân tộc, "Là đạo đức, là văn minh" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Mùa Xuân năm 1930, ngày 3 tháng 2, cánh chim én mới báo Xuân đã về vĩnh viễn với dân tộc Việt Nam, với đất nước Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Kể từ xuân ấy năm 1930 đến xuân này, Xuân Ất Mùi 2015, Đảng ta tròn 85 tuổi. 85 mùa xuân qua là 85 năm ròng Đảng chiến đấu không ngừng, không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc, ấm no của dân tộc. Với Đảng ta, càng tới mùa xuân càng trẻ trung, dạn dày, càng tràn đầy sức sống. Bởi Đảng ta là Đảng chiến đấu, dựng xây với mục đích, lý tưởng cao cả, không ngoài mục đích nào khác là vì hạnh phúc của dân tộc, vì tương lai của đất nước Việt Nam. Cũng bởi Đảng luôn gắn bó máu thịt với dân, Đảng với dân, dân với Đảng là một "Bao nhiêu quyền lợi đều vì dân, bao nhiêu hạnh phúc đều vì dân".

Cũng không nhớ rõ từ khi nào, nhân dân Việt Nam vẫn gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với hai tiếng thân thương và gần gũi tin yêu: “Đảng ta”. Cũng có lẽ trên thế giới này không có một Đảng nào lại được nhân dân tin yêu quý mến và gọi với tên gọi trìu mến như vậy. Chúng ta rất đỗi tự hào bởi có một Đảng tiên phong với lý tưởng cao đẹp, chiến đấu vì hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì Quốc tế cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta đã nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản chứ không vì lợi ích nào khác...”

(Nguồn: Internet)

 

Một Đảng luôn coi trọng việc chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh vô địch, đập tan mọi xích xiềng nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Một Đảng luôn biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, chiến đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân. Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng ta đều vì lợi ích của dân tộc, thì Đảng đó phải là Đảng có đạo đức và luôn thể hiện sự văn minh, luôn giữ vững và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Điều này trong di sản tư tưởng để lại cho Đảng ta và mỗi cán bộ đảng viên chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thành một Đảng “đạo đức, văn minh”.

Chúng ta đều biết, Đảng là sản phẩm của sự kết hợp tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại: lý luận cách mạng tiên tiến của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng cũng ở trong xã hội, là một trong rất nhiều tổ chức xã hội, tồn tại và hoạt động do nhu cầu của xã hội. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam là một hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng nhân dân lao động, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại diện cho nhu cầu và lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đảng là trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Vì thế, nói đến văn hóa Đảng là nói đến văn hóa mang bản chất của giai cấp công nhân, là kết quả sáng tạo văn hóa của một tổ chức đặc biệt, những người con ưu tú của dân tộc. Những giá trị sáng tạo đó là bộ phận tiên tiến của văn hóa dân tộc, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc ở một trình độ cao hơn, có sự khác về chất.

Văn hóa là các giá trị. Hệ giá trị là cái gốc, biểu hiện cốt lõi của một nền văn hóa, kết tinh thành bản sắc dân tộc. Giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam được thể hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết gắn bó cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử... Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa luôn lấy sứ mệnh lịch sử của dân tộc làm sứ mệnh lịch sử của mình. Bốn yếu tố tham gia tạo thành văn hóa Việt Nam, được sắp xếp theo trình tự: Tổ quốc, gia đình, thân phận, diện mạo. Có thể tùy theo hoàn cảnh khác nhau mà biểu hiện đó có thể khác nhau, nhưng xuyên suốt quá trình lịch sử, độc lập dân tộc luôn là giá trị hàng đầu trong bảng giá trị văn hóa của người Việt.

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề văn hóa, vai trò của văn hóa, coi đó là một trong những nhiệm vụ để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hơn tám thập kỷ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta rất nhất quán và không ngừng bổ sung đường lối xây dựng nền văn hóa mới cho phù hợp tiến trình vận động, phát triển của cách mạng dân tộc. Đảng lãnh đạo đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành một quốc gia độc lập, tự do, đi lên CNXH; dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho nhận thức và hành động. Trên cơ sở hệ tư tưởng đó, sự sáng tạo văn hóa của Đảng được thể hiện cụ thể ở bản chất giá trị ngọn cờ lý tưởng, ở tính khoa học cách mạng của những chủ trương, đường lối mà Đảng đề ra, ở nhân cách đạo đức của người đảng viên, ở trình độ tổ chức Đảng. Văn hóa Đảng là một bộ phận của văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ nền văn hóa lâu đời của dân tộc, là một bộ phận văn hóa tiên tiến, ưu tú luôn bám rễ sâu vào nền văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc ở một tầm cao mới. Xây dựng văn hóa Đảng không thể tách rời văn hóa dân tộc, phải trên cơ sở văn hóa dân tộc. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng không những đánh dấu sự nhận thức ở một trình độ cao hơn về lý luận văn hóa mà còn đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời đại mới của lịch sử dân tộc.

Giữ vững nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây chính là tính nổi trội về đặc thù của văn hóa Đảng. Sức mạnh của Đảng được bắt nguồn từ cơ sở khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy để xây dựng văn hóa Đảng chúng ta phải tuân thủ và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng sẽ phát huy được trí tuệ của đảng viên và tổ chức Đảng, chống lại một cách có hiệu quả những biểu hiện cục bộ, bè phái của chủ nghĩa cá nhân, làm cho sự lãnh đạo luôn đúng đắn. Trên cơ sở những quyết sách đúng mà các tổ chức khác trong hệ thống chính trị sử dụng tập trung dân chủ để tìm ra những biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, xây dựng được những cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Vì vậy, văn hóa Đảng chính là sự quyết định đúng, phù hợp với quy luật, với nguyện vọng của nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực tế đã chứng minh qua các thời kỳ cách mạng, trong nguy hiểm, gian khổ, ác liệt, các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên đã nêu cao tinh thần hy sinh, quên mình vì nước, vì dân. Lý tưởng cao đẹp của Đảng đã thấm sâu vào tư tưởng, nhận thức, đã biến thành động cơ bên trong thôi thúc người cộng sản có nghị lực phi thường, gan góc đến lạ kỳ. Nơi nào gian khổ, khó khăn người cộng sản luôn đi tiên phong, dẫn dắt quần chúng tiến lên. Tính chiến đấu của người cộng sản và tổ chức Đảng thể hiện ở vai trò tiền phong, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi để đuổi kịp sự phát triển của nhân loại, để Đảng luôn ngang tầm với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Xây dựng văn hóa Đảng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng có trình độ văn hóa cao hơn, giải quyết các mối quan hệ thấu lý đạt tình, thắm đượm tình người, giàu tính nhân văn và sống có văn hóa. Là cán bộ, đảng viên, nếu chưa mẫu mực về văn hóa thì không thể xứng đáng là người lãnh đạo của dân.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Vinh dự rất to lớn, nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề. Thực hiện tự phê bình và phê bình sẽ xây dựng sự đoàn kết gắn bó trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đây là quy luật phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, chắc chắn, chân chính". Đây chính là điểm đặc thù của văn hóa Đảng, văn hóa ở trình độ cao, đại diện, tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc. Nhờ thẳng thắn tự phê bình và phê bình mà Đảng ta trong 85 năm qua luôn hội tụ được trí tuệ của đội ngũ đảng viên, các tổ chức Đảng và cả dân tộc. Sự chân tình, thương yêu giúp đỡ nhau trong tự phê bình và phê bình của đội ngũ đảng viên đã làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, từ đó đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

85 năm qua, bên cạnh những kết quả to lớn mà văn hóa Đảng đã góp phần tích cực để làm cho Đảng ta đủ sức lãnh đạo, xây dựng xã hội mới phù hợp với mục đích nhân văn cao cả của văn hóa và khát vọng dân chủ cao đẹp của thời đại. Tuy nhiên, trong Đảng vẫn còn nhiều thiếu sót, đặc biệt sự xuống cấp của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, đã làm suy giảm sự sáng tạo cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, cũng chính điều đó đã làm phai nhạt, đi ngược lại truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc trong gần một thế kỷ qua - truyền thống vốn đã được xây đắp bởi sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ.

Vì những lý do trên, mục tiêu của xây dựng văn hóa Đảng là nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Văn hóa là ở con người, ở người đảng viên đòi hỏi sự phấn đấu về văn hóa cao hơn. Xây dựng văn hóa Đảng thực chất là giữ gìn và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là lý do để Đảng tồn tại. Xây dựng văn hóa Đảng trong giai đoạn hiện nay là phải tập trung khắc phục cho kỳ được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra. Phải làm cho Đảng ta thật sự và luôn xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.

Một năm mới, một mùa Xuân mới đã về. Đảng lại đem đến cho chúng ta trước thềm năm mới một niềm tin mãnh liệt vào con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Cánh én báo tin vui năm 2015 với tràn đầy hy vọng và kỳ vọng đã về. Hát ngân vang lên khúc ca mùa Xuân để mừng Đảng ta tròn 85 tuổi./.

 

Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên

.