UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2020

Xem xét cho ý kiến vào nhiều tờ trình quan trọng

Thứ Ba, 17/11/2020, 18:35 [GMT+7]
Điện Biên TV – Trong phiên họp thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh, các đại biểu dự phiên họp đã tập trung bàn, thảo luận và cho ý kiến vào nhiều tờ trình quan trọng.
1

Đại biểu dự phiên họp đã tập trung bàn, thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 – 2025 và đánh giá kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 – 2025, được UBND tỉnh xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.

Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0%/năm, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm (tương đương 2.600-3.000 USD/ năm); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 2.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 95 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10 - 12%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 30,67% năm 2020 xuống còn dưới 16% năm 2025 (bình quân giảm 2,93%/năm), trong đó các huyện nghèo nhóm 1 giảm trên 4%/năm, các huyện nghèo nhóm 2 giảm trên 3,5%/năm;

Có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 45% số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí, bình quân đạt 14 tiêu chí/xã; có 45-50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Cho ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 – 2025, đa số đại biểu đồng tình với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, một số đại biểu băn khoăn về các chỉ tiêu như: vấn đề phát triển hạ tầng, cơ sở dữ liệu đối với lĩnh vực truyền thông; chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới…

Đối với kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, đại biểu tán thành với những kết quả trong báo cáo được trình bày tại phiên họp này. Đại biểu khẳng định, báo cáo đã đánh giá cụ thể những mặt đạt được, chưa được và đưa ra những bài học kinh nghiệm; đồng thời cho rằng mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song với sự quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Điển hình, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) bình quân năm 2020 ước đạt 20.532 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 33,47 triệu đồng/năm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 22,90% (năm 2015) xuống 18,76% (năm 2020), công nghiệp - xây dựng giảm từ 19,33% (năm 2015) xuống 19,10% (năm 2020), dịch vụ tăng từ 52,91% (năm 2015) lên 57,64% (năm 2020)…

Kết luận nội dung này, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, đồng tình dự thảo báo cáo đánh giá kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 – 2025 và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị soạn thảo) tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo, kế hoạch. Đồng chí lưu ý, các chỉ tiêu, mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 cần phải bám sát văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đề ra, nhất là ở 3 khâu đột phá. Về báo cáo đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) phần tồn tại hạn chế đồng chí đề nghị tiếp tục rà soát lại để đảm bảo tính logic của báo cáo, trọng tâm đánh giá sâu về nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân liên quan đến đại dịch Covid–19...

Đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp thường kỳ.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp thường kỳ.

Phiên họp cũng đã đánh giá kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2021.

Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2020 (không bao gồm vốn kéo dài từ năm trước chuyển sang) là 2.527.807 triệu đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/10/2020 là 1.451.293 triệu đồng, đạt 57,4% kế hoạch vốn giao và ước giải ngân đến 31/1/2021 là 2.509.231 triệu đồng, đạt 99,26% kế hoạch vốn giao.

Tổng số kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 đã giao chi tiết là 2.521.677 triệu đồng, đạt 99,8% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và trong năm nay, đã thực hiện 3 lần điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 để điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân, vướng mắc thủ tục trong quá trình thực hiện sang những dự án có khả năng giải ngân nhanh.

Nhìn chung tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với các năm trước, tỷ lệ giải ngân trong 10 tháng đầu năm nay là trên 57%, cao hơn 6,63 điểm phần trăm so với bình quân chung của cả nước (50,77%)… Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2021, tổng vốn dự kiến phân bổ là 2.456.653 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 720.855 triệu đồng, vốn ngân sách trung ương là 1.735.798 triệu đồng (chưa bao gồm các mục tiêu quốc gia).

1
Đại biểu cho ý kiến vào các tờ trình.

Về nội dung này, đa số đại biểu đồng tình với việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, kế hoạch đầu tư công năm 2021 do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình tại phiên họp. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo của TP. Điện Biên Phủ sau khi sáp nhập các xã để sát thực tế, đồng thời phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh giao 1.249 tỷ 935 triệu đồng, ước thực hiện 1.240 tỷ 635 triệu đồng, đạt 99,26% dự toán; thu ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm 10.977 tỷ 225 triệu đồng, đạt 109,08% dự toán. Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2020 được HĐND tỉnh quyết định 10.056 tỷ 273 triệu đồng. Ước thực hiện 10.835 tỷ 595 triệu đồng, đạt 107,75% dự toán…

Cho ý kiến vào báo cáo thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và dự toán phân bổ ngân sách địa phương năm 2021, một số đại biểu đề nghị Sở Tài chính làm rõ hơn một số nội dung được đề cập trong báo cáo như: việc triển khai đấu giá đất, quyền sử dụng đất hiện giờ chưa được đấu giá là đất nào? Giải pháp cắt giảm một số khoản không cần thiết là những khoản gì?

Qua báo cáo và ý kiến tham luận của đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đồng thời phối hợp với cơ quan thuế báo cáo thêm kết quả xử lý nợ đọng thuế. Riêng báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm, cần xây dựng bám sát theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Ngày mai 18/11, phiên họp tiếp tục cho ý kiến vào các báo cáo, tờ trình liên quan đến việc giao chỉ tiêu biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND các cấp thuộc tỉnh Điện Biên năm 2021 và giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Điện Biên năm 2021; vấn đề liên quan đến danh mục dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án; việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án trồng mắc-ca kết hợp cây đàn hương và dược liệu tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo; dự án trại chăn nuôi lợn siêu nạc chất lượng cao tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên…

 
Đài PT – TH tiếp tục cập nhật….
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
 
.