Chợ ngã ba biên giới và những tiềm năng đang được đánh thức
Điện Biên TV - Ngã 3 biên giới A Pa Chải vốn đã đặc biệt nay lại có điều đặc biệt hơn, đó là phiên chợ nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Chợ được tổ chức họp vào 3 ngày trong tháng. Vào đúng phiên chợ, những người dân của 3 nước lại có dịp tụ hội về đây để mua sắm, trao đổi hàng hoá và khám phá những nét văn hoá của các nước bạn. Từ khi chợ biên giới chính thức đi vào hoạt động đến nay, đã góp phần thúc hoạt động giao thương giữa các bên. Trong tương lai, dự kiến nơi đây hứa hẹn sẽ là 1 trong những điểm phát triển kinh tế của các địa phương khu vực biên giới!
![]() |
Chợ ngã ba biên giới được họp vào ngày mùng 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng |
Ở chợ ngã ba biên giới A Pa Chải thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé mọi người luôn bắt gặp không khí mua bán rất tấp nập nhưng không quá ồn ào, không chen lấn, xô đẩy. Chị Lê Lan quê ở Thái Bình, theo người thân lên đây bán hàng đã 2 năm nay cho biết: Bán hàng ở đây lúc đầu gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ với người dân Trung Quốc và Lào. Bởi vậy, quá trình trao đổi thông tin về giá cả và loại hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do mặt bằng chưa có nên gia đình chị cũng chỉ làm lán tạm để bán hàng. Qua thời gian, chị Lan thấy việc kinh doanh ở đây cũng cho chị mức thu nhập khá dần.
Chợ ngã ba biên giới được thành lập ngay tại cột mốc số 3, nơi xã Sín Thầu của huyện Mường Nhé giáp với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và cột mốc số 2 giáp với tỉnh Phong Sa Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chợ được thành lập vào tháng 4 năm 2010 và được họp vào 3 ngày mùng 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng. Thường thì ở các phiên chợ, có rất nhiều thành phần tham gia như: Thương nhân, giáo viên, cán bộ công chức, quân nhân, người dân địa phương, cả du khách trong và ngoài nước tham dự. Do chưa được đầu tư xây dựng kiên cố nên các hàng quán được dựng lên đơn sơ và chia ra từng ô nhỏ để bày bán hàng hoá. Các mặt hàng ở đây khá đa dạng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên phía đất Việt Nam có khoảng chục quầy hàng. Hàng của người Việt Nam chủ yếu bán quần áo, hàng tạp hóa và công cụ lao động. Các quầy hàng Trung Quốc có tới vài chục quầy bày bán nhiều loại mặt hàng với chủng loại phong phú và đa dạng. Một điều rất đặc biệt ở đây là người mua và người bán thường thì không hiểu tiếng nhau. Bởi vậy, giữa người mua và người bán chỉ có thể ra dấu bằng ký hiệu, dùng tiền của mỗi nước để ra ký hiệu giá cả hoặc dùng máy tính cầm tay để ghi số tiền mỗi lần giao dịch.
Lối mở A Pa Chải - Long Phú được khai trương từ năm 2008, hiện tại tỉnh Điện Biên đã bố trí lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng như: Thú y, đội quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới và thăm thân của nhân dân 2 bên Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đường giao thông đi lại vẫn khó khăn, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, hoạt động thương mại mới chỉ hình thành chợ phiên biên giới với quy mô nhỏ, hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cư dân 2 bên biên giới.
Theo thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới qua lối mở A Pa Chải - Long Phú từ năm 2006 đến tháng 6 năm 2012 ước đạt 3,55 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,3 triệu USD; nhập khẩu đạt hơn 2,2 triệu USD. Kể từ khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc đấu nối lối mở A Pa Chải - Long Phú đã góp phần thúc đẩy hoạt động thông thương tại khu vực này.
![]() |
Hàng hóa được bày bán ở chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cư dân 2 bên biên giới. |
Theo nội dung Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký giữa Chính phủ hai nước và các cuộc họp của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trong thời gian tới, 2 bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến nâng cấp lối mở để mở cặp cửa khẩu song phương. Hiện Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho các sở, ngành của tỉnh triển khai quy hoạch chung đô thị cửa khẩu A Pa Chải; xúc tiến xây dựng đề án mở cặp cửa khẩu song phương. Cùng với đó, là việc thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, đường giao thông. Trong tương lai, việc mở cửa khẩu song phương A Pa Chải - Long Phú sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa hai chiều. Qua đó, tạo điều kiện cho Mường Nhé phát huy được tiềm năng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Trên thực tế, để tạo được tiền đề phát triển cửa khẩu A Pa Chải thì vẫn cần có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thương mại tại khu vực chợ biên giới. Cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú được tỉnh và huyện Mường Nhé xác định trong nội dung định hướng của quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng triển khai quy hoạch chung đô thị cửa khẩu A Pa Chải, trong đó có khu vực cửa khẩu. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị nông thôn, Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn, Bộ Xây dựng nghiên cứu đồ án: "Quy hoạch chung đô thị cửa khẩu A Pa Chải - huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 140 ha. Đồ án đã được báo cáo lần 1 trước Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng liên quan, hiện đang được chỉnh sửa và hoàn thiện.
Trong tương lai, khi Chính phủ 2 nước chính thức tổ chức nâng cấp lối mở thành cửa khẩu song phương A Pa Chải - Long Phú sẽ tạo động lực thúc đẩy trao đổi buôn bán hai chiều. Qua đó, tạo cho huyện Mường Nhé tiềm năng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là việc tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới trao đổi hàng hoá, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động xuất nhập khẩu của đôi bên./.
Minh Thịnh - Trọng Lâm