Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi ở Mường Chà
Điện Biên TV - Mường Chà có 2 tiểu vùng khí hậu khác nhau nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là thói quen canh tác một loại cây trồng khiến cho đất nông nghiệp nhanh bạc màu, thoái hóa.
Được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và từ các nguồn vốn đầu tư khác, huyện Mường Chà đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm dần các loại cây trồng kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng tiểu vùng. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ giống dứa Queen được hỗ trợ từ năm 2010, đến nay, xã Na Sang đã mở rộng diện tích trồng dứa lên đến 26ha, trong đó, có 18ha dứa đã cho thu hoạch. (Trong ảnh: Nông dân Na Sang bán dứa) |
Đặc biệt, các giống lúa Bắc thơm số 7, Nghi hương 2308, Nhị ưu 838 cho năng suất trung bình tăng từ 15 - 20 tạ/ha so với giống lúa địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai mô hình ngô nếp MX2 đưa vào trồng thay thế các giống ngô địa phương, cho năng suất cao. Tại xã Pa Ham, từ năm 2012 đến nay đã áp dụng trồng và nhân rộng gần 10ha giống ngô nếp MX2 thay thế cho giống ngô địa phương. Năng suất trung bình của ngô giống mới đạt từ 38 - 42 tạ/ha, cao hơn so với giống ngô địa phương từ 4 - 5 tạ/ha. Ở những chân ruộng không thể gieo cấy lúa do thiếu nước, nông dân được hỗ trợ giống cây trồng thay thế giống đậu tương DT84. Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư huyện Mường Chà đã hướng dẫn bà con từ gieo cấy, phòng trừ dịch bệnh… nhờ đó từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất nông nghiệp. Từ những giống cây trồng cho năng suất cao, nhân dân tích cực mở rộng diện tích gieo trồng để tăng thu nhập. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện đã cung ứng 5 tấn ngô lai; 2,4 tấn lúa các loại và 2,3 tấn đậu tương cho nhân dân đưa vào sản xuất; đưa một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng thí điểm nhằm tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, như: trồng chuối tiêu hồng, đào Pháp chín sớm…
Cùng với chú trọng phát triển trồng trọt, huyện quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ dự án của Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã có hàng trăm hộ nông dân Mường Chà được hỗ trợ nuôi dê và bò sinh sản để luân chuyển. Tại xã Sa Lông, năm 2010, Tổ chức tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ 5 con bò sinh sản cho 5 hộ dân ở bản Sa Lông 1 nuôi luân chuyển. Mô hình này hiện đã phát triển lên 15 hộ. Năm 2012, bản Cổng Trời (xã Sa Lông) được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ 21 con dê cho 10 hộ gia đình nuôi, đến nay số dê đã tăng lên 50 con... Song song với việc hỗ trợ con giống, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không chăn thả rông gia súc, chủ động dự trữ nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện có trên 12.000 con trâu, 3.000 con bò, 30.000 con lợn và 130.000 con gia cầm các loại.
Thu Phương