Nhiều vướng mắc phát sinh đăng ký xe máy điện

Thứ Ba, 17/06/2014, 23:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an ngày 4/4/2014 quy định về đăng ký phương tiện, từ 1/6/2014 xe máy điện tham gia giao thông bắt buộc phải có đăng ký biển kiểm soát. Tuy nhiên, khi đi vào thực thi các quy định của Thông tư đã nảy sinh những vướng mắc trong việc làm thủ tục đăng ký. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp xe máy điện nào được đăng ký.

Mặc dù Thông tư 15 đã có hiệu lực hơn chục ngày, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, người dân đến điểm đăng ký biển kiểm soát nộp hồ sơ đăng ký biển số cho xe máy điện chỉ tính trên đầu ngón tay và tất cả đều thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của xe... nên đành phải ra về với tâm trạng lo sợ không được đăng ký biển số khi ra đường sẽ bị phạt.

Anh Nguyễn Trọng Quy, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Ngay sau khi biết thông tin, tôi đã đi đăng ký biển kiểm soát tại phòng đăng ký biển kiểm soát của Công an tỉnh, nhưng cán bộ hướng dẫn yêu cầu phải có hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, kiểu loại xe... thì mới có thể làm thủ tục cấp biển số được. Nhưng tôi mua xe đã lâu rồi, nên không còn giữ giấy tờ. Giờ đây, tôi rất lo nếu không đăng ký được ra đường bị phạt. Cũng như anh Quy, chị Nguyễn Thị Lành, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Khi mua xe máy điện, tôi nghĩ đơn giản như mua chiếc xe đạp không phải đăng ký nên không lấy giấy tờ, hóa đơn gì, giờ không có giấy tờ nên không đăng ký được. Từ ngày đi đăng ký không được, đến bây giờ tôi không dám đi ra đường, sợ bị công an phạt”. Không chỉ riêng anh Quy, chị Lành mà nhiều người đi xe máy điện trên địa bàn tỉnh cũng không biết phải làm thủ tục đăng ký như thế nào? Bởi khi mua xe, các cửa hàng, đại lý bán xe máy điện cũng không cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng để đăng ký xe theo quy định. Lý giải điều này, một số chủ cửa hàng, đại lý bán xe máy điện trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trước đây, khách hàng mua xe máy điện hầu hết đều không có nhu cầu lấy hoá đơn. Hơn nữa, đối với xe nhập khẩu thì chỉ có hóa đơn nhập hàng nên cũng không biết phải đưa cho khách hàng những loại giấy tờ gì.

v
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có xe máy điện nào đăng ký biển kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe.


Đại úy Vi Xuân Nghĩa, Đội phó Đội Đăng ký biển kiểm soát, Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Sau khi triển khai thực hiện Thông tư 15 của Bộ công an, thì thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp xe máy điện nào được đăng ký biển số; một số người đến nộp hồ sơ đăng ký nhưng lại không đủ giấy tờ. Cũng theo Đại úy Nghĩa, nguyên nhân chính là do vướng mắc về thủ tục giấy tờ xe. Theo thông tư 15 quy định, hồ sơ đăng ký xe máy điện bao gồm: giấy khai đăng ký xe, giấy tờ chủ chủ xe, giấy tờ xe; hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính; giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với xe máy điện nhập khẩu và phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải đối với xe máy điện lắp ráp thì mới đủ điều kiện đăng ký xe. Tuy nhiên, đa số những chủ phương tiện khi mua bán xe máy điện đều không có đầy đủ những giấy tờ trên nên không thể đăng ký biển số xe. Đối với xe mua trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không bảo đảm theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì mới được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe.

Bên cạnh những vướng mắc về giấy tờ đăng ký biển kiểm soát, thì việc phân biệt rõ giữa xe máy điện và xe đạp điện gặp khó khăn trong quá trình đăng ký biển kiểm soát cũng như việc nhắc nhở, xử phạt chủ phương tiện sau khi nghị định có hiệu lực. Cụ thể theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, khi tắt máy thì đạp xe đi được... Còn xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kw, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Thế nhưng, thực tế thì loại xe có pê đan có thể đạp xe khi tắt máy thường gọi là xe đạp điện lại có vận tốc thiết kế lớn hơn 50km/h, và ngược lại, xe không có pê đan mà nhiều người gọi là xe máy điện lại có vận tốc thiết kế chỉ 25km/h. Đây cũng là nguyên nhân không chỉ gây hiểu nhầm cho cả người sử dụng, người bán hàng mà thậm chí còn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đối với vấn đề xử phạt phương tiện xe máy điện theo Thông tư số 15, Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Do việc đăng ký đối với các xe máy điện đang gặp vướng mắc nên việc xử phạt lỗi chưa đăng ký xe đối với loại phương tiện này tạm thời chưa thực hiện. Hiện nay, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân đăng ký biển kiểm soát. Các lỗi vi phạm khác, như: điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách… vẫn bị xử phạt bình thường.

Trước những vướng mắc về việc làm thủ tục đăng ký cho xe máy điện hiện nay, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để mục tiêu quản lý xe máy điện theo Thông tư 15 đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh xe máy điện, người sử dụng để nâng cao nhận thức cho người dân khi mua xe máy điện sau ngày 1/6/2014 phải lấy đầy đủ các giấy tờ hóa đơn để hoàn tất thủ tục đăng ký xe. Với các trường hợp xe máy điện mới mua, sau 30 ngày là phải đăng ký biển số theo quy định.

 

Văn Tâm

.