Lễ đón Tết của Đồng bào Mông

Thứ Hai, 30/01/2017, 18:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nói đến đồng bào Mông là mỗi người chúng ta thường nghĩ đến những sườn ruộng bậc thang, những điệu múa khèn, hội giã bánh dày và nhất là lễ cúng Tết – hội xuân Pa Pao. Cũng vì cư trú chủ yếu trên vùng cao heo hút, quanh năm vất vả lao động sản xuất nên ít khi được tổ chức và hưởng thụ các lễ hội. Vì thế có lẽ không có gì vui hơn ngày Tết cổ truyền. Tết cổ truyền của đồng bào Mông có các lễ cúng trừ tà ma, cúng cầu phúc năm mới, lễ dựng bàn thờ trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ và hội giã bánh dày, hội xuân Pa Pao... Lễ - Hội Tết hoà quyện với sắc xuân ấm áp, mỗi năm chỉ có một dịp càng tạo cho lòng người phấn chấn và tràn đầy niềm tin bước vào một năm mới.

Các t
Lễ Lử Su Kua Shông ( Lễ sàn lọc tà ma)

Những người già đều kể rằng: Đồng bào Mông từ bao đời qua đã biết tổ chức lễ đón Tết và vui hội xuân sau mỗi năm tròn 12 tháng. Ngày Tết cũng trùng ngày 30 tháng chạp (Tết nguyên đán).  Ở tỉnh Điện Biên, dân tộc Mông chiếm khoảng 34% dân số trong tỉnh và chủ yếu sinh sống trên các vùng núi cao heo hút cách biệt thành thị, phố xá. Vì ở miền quê núi cao thiếu nước, thiếu bãi bằng nên đại đa số bà con canh tác cây màu trên nương và ruộng bậc thang. Đồng bào Mông cũng là một trong số ít dân tộc sớm biết khai hoang ruộng từ xa xưa. Trình độ, kinh nghiệm đã giúp họ đào đắp nên những sườn núi ruộng bậc thang kỳ vĩ để có lương thực duy trì cuộc sống và tổng kết sau một mùa vụ lao động vất vả, làm cho cái Tết càng thêm vui, đầm ấm.

Cũng từ xa xưa đồng bào Mông đã biết tính lịch, một năm 12 tháng, một tháng 30 ngày theo mặt trăng -  phù hợp với tiết trời - mùa vụ. Cứ tròn một năm 12 tháng, sau một mùa thu hái xong và sau những tầng sương mù dày đặc trên vùng núi của những ngày đông đã tan dần, khi những nụ hoa đào đã nhô ra hé cười, những đàn gà thiến, con lợn đã béo tròn, kho tích đầy thóc, ngô và những đống củi đã được tích đầy hiên nhà là bà con người Mông lại tổ chức ăn Tết tổng kết năm cũ, vui chơi múa hát đầu xuân chào đón một năm mới. Sau một năm lao động vất vả, mọi gia đình phải chuẩn bị chu đáo để có cái Tết tươm tất - đầm ấm, linh thiêng. Những ngày giáp Tết, mọi người trong mỗi gia đình càng tất bật chuẩn bị mọi thứ. Chị em phụ nữ khẩn trương may thêu nốt những bộ trang phục mới để mỗi người trong gia đình đều có quần, áo, váy mới diện ngày Tết, nhất là các thiếu nữ dành khá nhiều thời gian và công sức may thêu, sắm cho mình nhiều trang phục, trang sức để diện trong ngày hội xuân. Các gia đình đều nấu rượu, thứ rượu ngô “Mông pê” được lưu truyền từ ngàn đời nay để uống trong ngày Tết và chúc nhau năm mới.

Chúng tôi đến xã Phình Giàng và xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông vào buổi chiều ngày 29, phần lớn các gia đình đều có lợn Tết, không ít hộ đã mổ lợn. Nhất là sáng sớm 30 Tết, rất nhiều gia đình mổ lợn to để cúng tổ tiên và để có đủ thực phẩm chế biến thức ăn trong những ngày Tết. Những gia đình có lợn to mổ do chưa thể dùng hết trong dịp Tết nên bà con đều dành một phần lớn ướp muối. Thịt ướp muối chủ yếu dùng làm quà Tết và gia đình có thể dự trữ thịt ướp muối dùng cả năm.  

Đồng bào Mông có nhiều nhóm ngành, nhiều tộc họ nên làm lễ Tết cũng có phần khác nhau. Ngay như lễ Tết "Nào Pê Châu" trong ngày cuối cùng của năm, một số ít dòng họ tổ chức vào buổi sáng 30. Trong khi đại đa số những dòng họ khác làm lễ cúng Tết vào chiều 30 - ngày cuối cùng của năm. Các bài lễ cúng thứ tự gồm:

- Lễ Sê Khơư (xua đuổi Tà Ma, tàn dư xấu trong nhà). Do người trưởng tộc hoặc một đàn ông lớn tuổi trong họ biết cúng làm lễ. Gia đình nào cũng phải có lễ xua đuổi tà ma, tàn dư xấu để nhà cửa trong sạch, lòng người thanh thản bình an trong năm mới.

Lễ Lử Su Kua Shông ( Lễ sàn lọc tà ma). Theo tìm hiểu của phóng viên, lễ Lử Su của dòng họ Mùa ở bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, thường cả một tộc họ trong bản hay trong cùng khu dân cư tham dự. Mọi người đi theo một vòng tròn chui qua một cổng tự tạo bằng một dây thừng bện bằng cỏ gianh buộc một cây gai Po Da có treo con gà trống. Ông Mùa Nụ Páo - Trưởng dòng họ cầm cây gai và cúng cầu khấn. Người Mông quan niệm: trong thế giới âm - dương có ma, có người cùng tồn tại. Trong một năm dài có thể có ai đó bị ma nhập, ma ám sẽ bị ốm đau, gặp điều dữ... nên hết một năm mọi người trong họ phải được chui qua cái cổng sàn lọc - diệt trừ tà ma này để mọi người khoẻ mạnh, thanh thản trong năm mới. Những thành viên nào trong họ do bận việc không tham gia lễ Lử Su này, thì được người nhà mang theo một cái áo của người đó đến dự, coi như hồn vía người đó cũng đã được sàng lọc tà ma.

Lễ Hu Pli (gọi hồn và cầu phúc năm mới). Những người già nói rằng, từ rất xa xưa cho đến nay đồng bào Mông vốn tin rằng: con người ngoài thể xác ra, mỗi người còn mang theo mình 3 hồn 3 vía luôn song hành kề sát và bảo vệ cho thể xác. Trong một năm kiếm kế sinh nhai, con người phải trải qua biết bao phong ba, sông sâu, nước độc, rừng rậm thú dữ... có thể hồn vía rơi rớt nơi "đất người", hay bị " hùm beo, ma quỷ mê hoặc dụ dỗ tha đi... như thế người đó sống "có xác mà không còn hồn", sẽ xa dần ma nhà, đến một ngày nào đó sẽ không còn sự sống... Vì thế hết một năm, gia chủ phải mời thầy cúng đến làm lễ gọi hồn trở về nhập ma nhà và cầu phúc cho mọi người trong gia đình khoẻ mạnh, luôn gặp điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, phát tài trong năm mới.

Ông Mùa Chứ Sua, Trưởng họ Mùa bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Đồng bào Mông chúng tôi từ tổ tiên xưa đến nay đều tin rằng, một con người ngoài thể xác, nó còn mang ba hồn, ba vía. Vì thế, khi một cháu bé được chào đời là phải làm lý nhập hồn cho gia đình “Hu plis”; ai hay ốm đau thì làm lý gọi hồn; gia đình nào rước được con dâu về nhà mình thì phải làm lý nhập hồn, nhập ma nhà. Đặc biệt là năm hết Tết đến, các gia đình đều làm lý gọi hồn, nhập hồn. Vì qua một năm có thể hồn vía rơi rớt hay tha phương đâu đó, nên ăn Tết năm mới thì phải làm lý gọi hồn trở về nhập người để mọi người an tâm, mọi gia đình an khang. Đồng thời cũng gọi hồn nông sản, gia súc gia cầm trở về để gia đình được thịnh vượng”.

Chiều 30 Tết, khi mặt trời ngang lưng núi là lúc các gia đình đồng loạt làm lễ Chi Sự Ka - dựng bàn thờ mới. Lễ này tương đối đơn giản, nhưng chủ nhà phải là đàn ông, hoặc anh em nam giới trong họ có thể giúp gia chủ làm. Gia chủ cầm một con gà trống, hay gà thiến để khấn, rồi cắt tiết, nhổ ít lông cổ dán lên bàn thờ. Cầu xin tổ tiên và các thần linh giúp che chở, chắn điều ác, phù hộ điều lành cho gia đình trong một năm mới an khang, làm ăn phát đạt. Dựng xong bàn thờ mới, gia chủ dán giấy  “bùa vận may và bùa ngăn tà ma” vào các đồ dùng, dụng cụ sản xuất và cửa nhà của gia đình. Xế chiều 30 Tết, tiếng giã bánh dày vang vọng khắp bản; hương khói Tết hoà quyện thơm nếp bánh dày lan tỏa hoà nhịp với tiếng cười tiếng nói rôm rả càng tạo cho khung cảnh Tết thật vui nhộn, đầm ấm. Đồng bào Mông khi đến Tết không một gia đình nào lại không giã bánh dày. Vì giã bánh dày vừa là môn thể thao cho các chàng trai đọ sức, vừa là lòng thành kính của gia chủ dâng hiến sản vật cho tổ tiên. Bánh dày được làm từ hạt thóc quý, từ bàn tay của chính mình. Chiếc bánh dày đầu tiên được nặn to tròn tượng trưng cho đất trời và mặt trời, mặt trăng được thờ Tết đến mồng 1 hoặc mồng 3 mới đem ra cúng tổ tiên.

Anh Sùng Chứ Say, bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: "Người Mông chúng tôi có nhiều nhóm ngành, thế nhưng đã là người Mông thì mỗi năm chỉ có một cái Tết và đều có những bài lễ cúng Tết như nhau, chỉ khác ít về nội dung lời khấn. Nói là lễ cúng Tết, nhưng thực chất là những thủ tục cắt năm cũ và cầu chúc điều tốt lành cho mọi người, mọi gia đình như thế là động viên tinh thần con người bước vào một năm mới đầy sức sống, yêu đời mà xây dựng cuộc sống đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn. Với bản Tin Tốc B chúng tôi có trên 70 hộ, năm nay mọi gia đình đều có thu nhập, thóc đủ ăn, gia súc gia cầm đủ dùng, nên ăn Tết này đa số các hộ có lợn Tết… thực sự là một cái Tết đầm ấm”.

Khi các thủ tục lễ đã làm xong, các món thức ăn đã chín, (trước khi mời khách lên mâm) chủ nhà hay trưởng tộc thay mặt chủ nhà tiến hành làm lễ cúng tổ tiên bằng cơm, thịt, rượu. Người Mông quan niệm rằng, cha mẹ, ông bà dù đã mất nhưng vẫn còn hồn vía ở cõi âm, nên con cháu khi ăn Tết thì phải làm mâm cỗ cúng mời tổ tiên trước. Đồng bào Mông khi cúng cơm, thịt, rượu đều để lên bàn hay đổ xuống đất, vì họ quan niệm hồn vía tổ tiên ở cõi âm.

Trong những ngày tết, ở vùng đồng bào Mông không kiêng kỵ gì. Bất cứ người mang họ nào, dân tộc gì, ở bản, xã nào, nam hay nữ... cứ có mặt trong bản là được mời dự tiệc Tết. Nhất là những đàn ông đã có gia đình, họ kéo nhau sang nhà uống với nhau chén rượu chúc nhau năm mới luôn gặp những điều tốt lành. Cuộc vui ngày Tết được mời nhau từ nhà này sang nhà nọ qua các hộ khắp bản từ tối 30 sang tận mùng 5 mùng 6 tháng Giêng. Mọi người tay bắt mặt mừng kể cho nhau những kết quả trong lao động sản xuất, chăn nuôi năm qua và khuyên nhau cách xây dựng cuộc sống trong năm mới cho thành đạt hơn.

Từ mồng 2 Tết, đồng bào Mông chính thức bước vào lễ hội Pa Pao. Với đồng bào Mông hầu như không có lễ hội nào vui hơn hội pa pao. Từ già đến trẻ đều mong chờ, nhất là thanh niên nam - nữ chưa vợ chưa chồng càng náo nức mong sớm đến Tết để được đi hội pa pao vui xuân và kết bạn, chọn bạn đời, được cùng người thương ném pao, được đánh tù lu với chúng bạn.  Với các cụ bà, mỗi mùa hội pa pao về là có thời gian ngồi với nhau trò chuyện và xem thanh niên ném pao; các cụ chỉ cần nhìn các cháu trai, cháu gái thanh niên qua trang phục, kiểu cách thêu váy áo, đồ trang sức và cử chỉ... là đánh giá được từng cháu thanh niên nào nết na nhất, tay khéo nhất và đoán được tính nết của các nam thanh, nữ tú... mà các cụ có thể "gật đầu" ưng bụng - sẵn sàng nhận lời gả cháu trai, cháu gái mình cho.  Đối với các cụ ông được đi hội múa khèn, tham gia múa khèn và xem thanh niên thổi khèn rồi răn dạy thế hệ trẻ phải luyện các bài khèn, các thể múa khèn cho đúng nguyên bản cổ truyền. Trông vào mỗi mùa hội pa pao chúng ta cũng dễ nhận biết được mức sống của bản làng trong mỗi năm đó.

bà Sùng Thị Má, bản Păng De, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cho biết: “Tôi ngày xưa còn là thiếu nữ sống trong chế độ thực dân – phong kiến nghèo khổ lắm, đến Tết đi hội pa pao không có được một bộ áo váy đẹp. Tính đến mùa xuân này tôi đã gần 90 tuổi rồi, nhưng vẫn còn thấy tiếc cuộc đời tuổi thơ và thanh xuân cực khổ của mình thời xưa. Vì thế nay già rồi cũng đến ném pao chia vui cùng các cháu. Tôi thật sự vui mừng khó tả nổi với cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Tôi mong các cháu thế hệ hôm nay phải biết trân trọng cuộc sống, đến ngày Tết phải cùng nhau đến vui hội, chơi hết mình về những trò chơi truyền thống tốt đẹp của cha ông. Các cháu đến vui hội xuân phải đoàn kết, giúp đỡ các bạn ở các bản xa để ai ai cũng là bạn bè tốt của mình, để sau một mùa hội ai cũng phấn khởi và có nhiều niềm tin bước vào một năm mới.”

c
Từ mồng 2 Tết, đồng bào Mông chính thức bước vào lễ hội Pa Pao

 

Hội xuân thường kéo dài từ mùng 2 Tết cho đến mùng 7, thậm chí kéo dài đến ngày 15 tháng giêng, bao gồm: Ném pao, đánh cầu đuôi gà "cầu lông", đánh tù lu, múa khèn, hát đối... đó là những tiết mục và trò chơi đặc sắc văn hoá cổ truyền của đồng bào Mông. Trong môn thi múa khèn càng sôi động, náo nhiệt. Ngày xưa nhân dân sống khổ cực nên chủ yếu là những bài khèn than buồn kể lể nỗi thống khổ. Ngày nay ơn Đảng người Mông đã có cuộc sống ấm no, bình đẳng với các dân tộc trong vùng nên cũng có nhiều bài khèn được cải biên, sáng tác mới, ca ngợi quê hương - đất nước, ca ngợi cuộc sống ấm no thanh bình. Ngày hội Pa Pao còn có thêm một số trò chơi như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đá bóng, đánh bóng chuyền, múa hát làm cho ngày hội thêm phong phú sôi động hơn. Những người già kể rằng, theo truyền thuyết thì ngày xưa cả cộng đồng Mông cùng quần tụ, cư trú chung một vùng. Họ đều ăn Tết cùng vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm. Thế nhưng vì một thời chiến tranh loạn lạc nên đồng bào Mông đã di cư dần lên các vùng núi cao hẻo lánh xa xôi mà sinh sống. Do cư trú rải rác trên các vùng núi, thiếu thông tin nên một số bản thường tổ chức Tết vào ngày 30 tháng 11, thậm chí có vùng ăn Tết vào ngày 30 tháng 10 âm lịch. Nhưng đại đa số các xã hay các huyện có dân số là người Mông chiếm đa số thì vẫn tổ chức Tết đúng Tết cổ truyền (Tết nguyên đán). Hiện nay, được Đảng, Nhà nước quan tâm và đầu tư, tổ chức vui đón xuân cho nhiều bản, xã cùng một sân hội để vui Tết và giao lưu văn hóa – thể thao.

Ngày hội xuân ngày nay, dù có nhiều trò chơi thể thao như đá bóng, đánh bóng chuyền, cầu lông, thi giã bánh dày… nhưng ném pao, đánh tù lu, múa khèn, hát đối vẫn là trò chơi dân gian và sôi động nhất được duy trì từ bao đời nay. Các gia đình trong bản đăng cai hội pa pao tự giác nấu cơm nước mời khách ở bản xa. Một năm 12 tháng ròng rã lao động sản xuất vất vả mới có 7 - 10 ngày hội tụ để vui chơi giải trí. Các chàng trai, cô gái vừa ném pao, đánh cầu đuôi gà vừa tâm sự mà quên đi những vất vả trong một năm lao động sản xuất. Ngày hội đầu xuân ngàn hoa đua nở, muôn cây đâm chồi nảy lộc. Sắc màu của thiên nhiên hoà với muôn trang phục sặc sỡ trong ngày hội pa pao càng làm cho sắc xuân thêm sôi động, nhộn nhịp ngân vang mãi.  

Hội pa pao thực chất là giao lưu văn hoá - văn nghệ của cả cộng đồng Mông. Người ở bản này, xã nọ có thể sang bản khác, xã khác nhập hội ném pao... vui hội pa pao, ném pao của từng đôi nam - nữ để vừa vui đùa, tâm sự, hát đối. Với người đã có vợ, có chồng thì họ vừa ném pao vừa nói chuyện về cuộc sống gia đình và có thể hát đối vui. Còn với những chàng trai chưa vợ, gái chưa chồng thì đây là một dịp khoe sắc đọ tài để trao duyên kết bạn trăm năm.

Trước đây, một phần lớn các bản đồng bào Mông thường tổ chức Tết cổ truyền vào ngày cuối cùng trong tháng 11 âm lịch hàng năm. Thế nhưng ngày nay, do tất cả thanh - thiếu niên và trẻ em đều đi học, nhiều gia đình có người thoát li làm cơ quan Nhà nước nên đã vài chục năm nay phần lớn các bản, các xã vùng đồng bào Mông đã trở lại ăn Tết nguyên đán và mở hội pa pao vào đầu tháng Giêng. Mùa hội pa pao ngoài thanh niên nam nữ ném pao, hát trao duyên, người lớn hát đối... thì trò chơi đánh tù lu - thi đấu tranh giải giữa các bản, giữa mỗi thành viên được mọi người ưa thích và tham gia thật sôi nổi, chơi hết mình để qua mùa hội không ai còn thấy hối tiếc.

Ơn Đảng - Nhà nước ngày nay đồng bào Mông đã ấm no, các lễ cúng Tết - lý tục cầu phúc năm mới được bảo tồn và phát huy càng làm đậm đà thêm bản sắc dân tộc Mông. Ngày hội pa pao lại càng sôi động, nhộn nhịp ngân vang mãi. lễ cúng Tết và hội pa pao là một nét văn hoá độc đáo của dân tộc Mông, mỗi năm chỉ có một dịp vào những ngày đầu xuân, lâu đến nhưng khó quên, nó làm cho mọi người lưu luyến. Đó là dịp cổ vũ cho con người luôn hướng về cái chân, thiện, mỹ để bản làng có cuộc sống tốt đẹp hơn, no ấm hơn./.

 

Mùa A Ký
 

.