Trăn trở cuộc sống của phụ nữ Mông ở xã vùng cao Xá Tổng

Thứ Tư, 26/10/2011, 09:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù nằm ngay ven đường quốc lộ 6 nối hai miền xuôi ngược, nhưng Xá Tổng vẫn là một xã vùng cao kém phát triển. Nghèo đói, lạc hậu đang khiến cho cuộc sống của rất nhiều phụ nữ ở đây đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không biết chữ, giao tiếp xã hội hạn chế, lao động nặng nhọc và bất bình đẳng giới, là tình trạng phổ biến mà phụ nữ dân tộc Mông ở xã vùng cao này đang phải gánh chịu.

Dẫn chúng tôi vào thăm bản Dế Da, một bản nằm cách trung tâm xã chừng 3km, chị Sùng Thị Sung – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xá Tổng cho biết: đời sống của chị em phụ nữ ở bản Dế Da cũng như nhiều bản khác trong xã còn rất khó khăn, họ đa phần đều không biết chữ, nhất là các chị em có độ tuổi từ 30 trở lên, điều này khiến việc giao tiếp xã hội của họ rất hạn chế.

Tới thăm gia đình chị Sùng Thị La, mặc dù mới chỉ 28 tuổi nhưng đã có tới 4 mặt con, gia cảnh hết sức khó khăn và chị cũng chưa một lần được cắp sách tới trường. Khi chúng tôi đến, chị La đang thu lúa ở mảnh nương gần nhà, lúa đã gặt xong, công việc tiếp theo của chị là đập lúa. Nhìn đống lúa cao ngất và chỉ với một thanh gỗ mộc trong tay là công cụ duy nhất để tách hạt lúa ra khỏi bông, chúng tôi tự hỏi, không biết đến khi nào thì chị mới làm xong công việc này? Khi được hỏi về cuộc sống của bản thân và gia đình, chị Ia tâm sự: “Cuộc sống của mình quanh năm chỉ biết đến nương ngô, nương lúa mà đều phải tự làm bằng tay chân chứ không có máy móc gì hết. Nhà nghèo không có tiền mua máy về làm đỡ. Trước bố mẹ không cho đi học nên mình không biết chữ”

Ở bản Dế Da có khá nhiều chị em phụ nữ chưa từng được đi học như chị La. Đối với họ, việc học chữ không mấy quan trọng. Vì vậy mà vừa lớn lên, các em gái đã vội bỏ học, theo bố mẹ đi làm nương, rồi lấy chồng, sinh con, quay quắt với cái nghèo, cái đói. Đó là việc vẫn hằng diễn ra ở bản từ bao đời nay. Không mấy phụ nữ nghĩ rằng mình sẽ phải học, sẽ phải thay đổi cuộc sống hiện tại. Vì không hiểu biết và cam chịu nên nhiều chị em gặp phải hoàn cảnh rất trớ trêu.

Chị Giàng Thị Ganh sinh năm 1979. Chị lấy chồng từ năm 16 tuổi và tới nay chị đã có tới 10 mặt con. Do đông con, gia đình chị luôn phải đối mặt với cái đói, cái nghèo. Ấy vậy mà chồng chị lại ngày ngày say xỉn, rồi đánh đập vợ, cực chẳng đã chị đành phải dựng một túp lều tạm để ở. Các con chị, đứa thì theo bố, đứa theo mẹ và chẳng đứa nào được tới trường. Ai nhìn thấy hoàn cảnh của gia đình chị Ganh cũng đều ái ngại. Chúng tôi hỏi vì sao chị lại sinh nhiều con như vậy, và vì sao mà chị phải sống một mình như hiện nay, chị Ganh nói: “Không biết kế hoạch nên mỗi năm sinh một đứa. Mình cũng muốn đi đặt vòng nhưng chồng không cho đi, chồng không cho đi thì không được đi. Chồng hay uống rượu say rồi về đánh đập mình nên phải ở một mình, cuộc sống rất khó khăn”.

Như để chúng tôi rõ hơn về chuyện bất bình đẳng giới và nỗi khổ của chị em phụ nữ ở xã vùng cao Xá Tổng, chị Sùng Thị Sung, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết thêm: “Địa phương vẫn còn rất nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình tan vỡ cũng vì người phụ nữ không chịu nổi những trận đòn từ chồng. Khi các gia đình xảy ra xô xát, cán bộ phụ nữ ở thôn bản cũng tới khuyên can, nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả. Đôi khi vì thế mà người vợ còn bị đánh nhiều hơn”
 
Không được học, giao tiếp xã hội hạn chế dẫn đến kém hiểu biết; kém hiểu biết và chưa tự ý thức được giá trị của bản thân, chưa tự thay đổi được lối nghĩ, lối sống cổ hủ, lạc hậu, khiến cuộc sống của những phụ nữ Mông ở xã vùng cao Xá Tổng chưa thể thoát khỏi cái khổ và sự quẩn quanh, nghèo đói.
 
Lẽ nào cuộc sống của những người phụ nữ ở đây cứ mãi mãi đi theo lối mòn khổ ải bao đời nay! Đến bao giờ họ mới có thể tự thay đổi cuộc sống cũng như số phận của mình? Và có lẽ ta cũng cần phải suy nghĩ thêm về vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ cũng như các phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn này!
                                                                       

Đặng Minh Giang

 

.