Điện Biên: tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và lao động được tiếp cận với thị trường lao động nước ngoài
Điện Biên TV - Ngày 23/3, UBND tỉnh tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2020”; Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2007- 2010 và phương hướng, nhiệm vụ công tác xuất khẩu lao động năm 2012.
![]() |
Hội nghị sơ kết Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Xuất khẩu lao động |
Trong 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Điện Biên đã tổ chức được gần 190 lớp đào tạo nghề cho gần 6.300 lao động nông thôn; triển khai 19 mô hình dạy nghề cho gần 600 học viên. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, hướng dẫn viên du lịch...Song song với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn công tác đào tạo nghề. Thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đẩy nhanh việc phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, mức thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn
Đối với Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2007 - 2010, đến nay toàn tỉnh đã có gần 700 người được đưa đi lao động ở nước ngoài, trong đó 4 huyện được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nghị quyết 30a là: Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông là 300 người. Lao động của Điện Biên chủ yếu được đưa tới thị trường các nước: Malayxia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Theo thống kê, tổng số tiền người lao động gửi về cho gia đình trong 4 năm qua lên tới trên 50 tỷ đồng, điều này đã giúp nhiều gia đình từ chỗ khó khăn trở nên khá giả.
![]() |
Tư vấn XKLĐ cho người lao động tại Trung tâm Tư vấn Giới thiệu việc làm tỉnh Điện Biên (Nguồn: Internet) |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh một lần nữa khẳng định tác dụng to lớn của các đề án kể trên. Thông qua việc triển khai thực hiện, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có không ít đối tượng lao động nghèo có việc làm và được tiếp cận với các loại hình lao động công nghệ cao. Đồng chí cũng lưu ý trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Các ngành chủ quản cần làm tốt hơn nữa việc liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với quá trình chuyền dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động đáp ứng nhu cầu hội nhập trong tình hình mới.
Phạm Hải