Dòng họ Pờ học tập và làm theo lời Bác
Điện Biên TV - Hiếu học và luôn vươn lên trong cuộc sống, đó là điểm khiến dòng họ Pờ ở Sín Thầu, huyện Mường Nhé thoát nghèo và trở thành một dòng họ vững mạnh.
Cụ Pờ Pó Chừ sinh được 11 người con, gồm 7 trai và 4 gái. Những người con này sinh ra thế hệ thứ ba, tổng cộng là 48 người. Thế hệ thứ ba đã sinh thế hệ thứ tư. Vào ngày lễ, tết, tất cả quần tụ về nhà trưởng họ, cỗ bàn linh đình, cỡ hơn chục mâm. Họ Pờ ở Sín Thầu đông dần, nhưng cũng tăng thêm sự hiếu học. Nhiều người hiện đang ăn lương nhà nước, góp phần xây dựng địa phương phát triển. Họ viết thêm những trang sử mới cho dòng họ, làm vẻ vang thêm dòng họ ở vùng đất ngã ba biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Kết quả có được của ngày hôm nay phải nhờ đến bộ óc đổi mới của cụ Pờ Pó Chừ. Cụ là một người có sức khỏe, yêu lao động, có ý chí của một người được tôi luyện trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nơi biên giới. Thời thanh niên, cụ Chừ có công tiễu phỉ, nuôi dưỡng cán bộ và là người đầu tiên trong vùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Vùng đất Sín Thầu xưa kia heo hút, biệt lập với bên ngoài, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Được ở gần cán bộ cách mạng, cụ Chừ thấu hiểu sự thiệt thòi nếu thiếu cái chữ, thế là cụ xin học. Nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng cụ bà Xu Cà Sử vẫn còn nhớ nguyên vẹn lời nói của chồng mình mỗi khi dạy các con, đó là: “Muốn làm việc tốt hơn, muốn nói chuyện hay hơn thì phải có cái chữ trong đầu”.
![]() |
4 trong số 11 người con của ông Lờ Pó Chừ. |
Là con trai thứ 6 của cụ Pờ Pó Chừ, ông Pờ Dần Xinh cũng tiếp nối công việc của cha mình. Suốt mấy chục năm làm cán bộ xã Sín Thầu, ông Xinh đã giúp bà con thoát khỏi nhiều hủ tục lạc hậu. Ông Xinh tâm sự, đời mình khổ nhiều rồi, phải cho con cái học hành, động viên các anh em trong nhà cho các cháu đi học lên cao. Ông Xinh có 5 người con thì một người hiện là cán bộ văn phòng xã, một là Bí thư huyện Đoàn Mường Nhé, một công tác ở Công an huyện Mường Nhé, một người công tác tại Công an tỉnh Điện Biên, người con út đang theo học chuyên nghiệp. Nhắc lại truyền thống học tập của gia đình mình, ông Xinh kể, theo tâm nguyện của cha, ông Xinh đã cùng với 37 thanh niên ra huyện Mường Tè học, trong số 37 người đi học nhưng chỉ mình ông là trụ lại đến cùng. Tốt nghiệp phổ thông năm 1983, nhiều người khuyên nên thoát ly, nhưng ông Xinh luôn luôn ghi nhớ lời bố là học xong, có chữ rồi về gây dựng quê hương. Ở quê, ông Xinh trải qua nhiều vị trí công tác, như: làm công an, làm cán bộ thương binh xã hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Năm 1994, ông Xinh được bầu làm Chủ tịch UBND xã, năm 2006 ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, rồi năm 2009 ông làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu. Với ông Xinh ở bất cứ cương vị công tác nào, ông luôn trăn trở với sự học, vì với ông, các dân tộc phải có chữ, phải có kiến thức mới thoát khỏi đói nghèo, mới xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như lời Bác Hồ đã dạy.
Ông Pờ Dần Sơn là người con trai út của cụ Pờ Pó Chừ đã quyết tâm thực hiện ước mơ của cha mình trở thành thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 1999 tốt nghiệp trung cấp y, ông Sơn được điều động về công tác trạm y tế xã Sín thầu quê hương theo đúng nguyện vọng của cha và cả gia đình. Công tác ở một trạm y tế còn rất nhiều khó khăn, nhưng ông Sơn cùng với các đồng nghiệp đã cố gắng khắc phục và làm tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Qua thời gian, trạm y tế xã Sín Thầu hôm nay được xây dựng khang trang ở một vị trí rất thuận lợi cho việc phục vụ nhân dân đến khám chữa bệnh. Để có được mặt bằng xây dựng trạm y tế xã này, gia đình ông Sơn đã tự nguyện hiến một phần diện tích đất sản xuất của gia đình để xây dựng trạm.
Sự học nơi vùng cao
Người dòng họ Pờ hiện công tác ở rất nhiều cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh và huyện, theo Ông Pờ Dần Xinh, nếu như trong quá khứ người Hà Nhì ở đây còn quá xa lạ với cái chữ. Rất hiếm người biết chữ. Nghe lời cha và được gia đình tạo điều kiện, anh em ông Xinh lội sông lội suối, vượt rừng cả tuần mới ra được đến trường huyện để học. Anh lớn đi học, em bé cũng theo đi học. Người dân trong vùng thời đó còn chê gia đình ông suốt ngày chỉ biết đi học, không biết bắt con cá, săn bắt, làm ruộng... Sau này anh em ông làm cán bộ, cuộc sống thay đổi nhờ sự học, người ta mới quay ra học tập họ Pờ đầu tư đi học. Ông Xinh chẳng nhớ nổi có bao nhiêu lần, anh em ông suýt bỏ mạng vì lội suối, vượt lũ và có nguy cơ trở thành "mồi" cho các loài thú dữ ở nơi thâm sơn cùng cốc. Nhờ có kiến thức, anh em và gia đình ông là những người tiên phong ở Sín Thầu khai hoang ruộng bậc thang, làm lúa nước, vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để từng bước thoát khỏi đói nghèo.
![]() |
Tiếp nối truyền thống của dòng họ, con cháu họ Pờ ngày nay cũng rất hiếu học. |
Quá khứ là quá khứ, nhưng phải khẳng định rằng, anh em ông Xinh phải trải qua rất nhiều gian nan để có được cái chữ. Phát huy truyền thống học tập của gia đình, dòng họ, thế hệ trẻ hôm nay của dòng họ Pờ vẫn nối tiếp nhau, ra sức học tập để có kiến thức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, đưa cuộc sống của người Hà Nhì ngày càng phát triển.
Cuộc sống mới ấm no
Tuyến đường từ Mường Nhé đã được đầu tư mở mới và nâng cấp vào bản Tả Kố Khừ, bản trung tâm của xã Sín Thầu và chạy ra cửa khẩu A Pa Chải đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất cực Tây. Giờ mảnh đất này không còn quá xa xôi, nhưng những giai thoại về một vùng đất vẫn còn nhiều điều thú vị. Sín Thầu theo nghĩa là vùng đất mới. Vì chữ Sín nghĩa là mới, còn chữ Thầu có thể là chữ Đầu theo cách phát âm của người Hà Nhì. Sín Thầu là cái "đầu mới" hoặc “đất mới”. Ngay cái tên bản Tả Kố Khừ, một bản đẹp nhất trong xã hiện nay cũng gắn với sự đổi thay lớn ở nơi đây. Tả Kố Khừ nghĩa là đường đi tắt lớn. Các cụ già trong xã giải thích rằng, đường từ Mường Tè trước đây lên bản A Pa Chải - trung tâm trao đổi nông cụ xa xưa nhất, phải qua bản Tả Kố Khừ. Tả Kố Khừ có đoạn đường đi tắt, gần hơn mấy cây số. Người dân nhận thấy ở đây là một triền đất đẹp, có hợp lưu của ba con suối Chang Xín Chái, Mo Phí và Y Ma Hù, xung quanh có rừng nguyên sinh. Sau này, khoảng năm 1968, cụ Pờ Pó Chừ đã kêu gọi người dân về đây lập thêm bản. Biến bản này thành trung tâm trao đổi nông cụ thay cho bản A Pa Chải, cách bản này chừng 8 cây số.
![]() |
Khác với những bản làng miền biên giới còn nhiều khó khăn khác, những nóc nhà khang trang tại bản Tả Kố Khừ nơi dòng họ Pờ cư ngụ lại cho thấy một sự ấm no, đủ đầy. Miền biên viễn dường như không xa xôi, khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. |
Theo ông Pờ Dần Xinh, ngay chuyện chuyển xuống bản mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người dân sợ vùng đất ngã ba con suối thấp, nhiều muỗi. Gia đình ông xuống làm lúa trước, vụ nào lúa cũng trĩu hạt. Sau đó là 5 hộ rồi 20 hộ lần lượt xuống bản mới. Bản Tả Kố Khừ từ đó đông đúc, sung túc hơn.
Một thời gian dài người Sín Thầu còn nghèo dù họ có trâu, bò nhưng chưa biết biến nó thành hàng hóa. Họ nuôi chỉ để... ngắm cho sướng mắt chứ chưa biến nó thành xe máy, tivi. Mãi đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Pờ Dần Xinh mới biến đàn bò trở thành hàng hóa, dựng nhà mới, mua sắm vật dụng. Biết biến con trâu, con bò thành hàng hóa để trao đổi, từ đó có tiền, người dân Hà Nhì tích cực đầu tư tăng thêm số lượng trâu, bò, xóa bỏ tập quán chăn thả tự do. Học tập các gia đình dòng họ Pờ, nhiều hộ gia đình người Hà Nhì ở Sín Thầu đã lập trang trại, học cách chăm sóc để tránh dịch bệnh. Có người trở thành "vua" trâu, bò trên mảnh đất nga ba biên giới, như: ông Chang Vãng Sinh, Sư Tư Hừ, Sùng Pì Xinh với đàn trâu, bò lên đến hơn trăm con.
Sín Thầu hôm nay đang đổi thay từng ngày. Học tập và làm theo lời Bác, dòng họ Pờ ở Sín Thầu cùng với các dòng họ khác đã và đang bằng những việc làm thiết thực đóng góp tích cực cho sự phát triển nơi mảnh đất ngã ba biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Trần Sơn – Trọng Lâm