Xử sự trước thiên tai

Thứ Sáu, 14/06/2013, 16:23 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hệ thống sông suối dày đặc, lòng sông có độ dốc lớn, là đặc điểm khiến cho một số xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khi mùa mưa kéo dài kèm theo giông bão. Làm thế nào để bảo toàn tính mạng và tài sản của người dân khi thiên tai xảy đến? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào cách xử sự của con người trước thiên tai.

Đồi núi dốc chiếm tới 90% diện tích, trong đó phần lớn là đất trống đồi núi trọc, không có khả năng giữ nước, nên một diện tích không nhỏ đất canh tác ở các xã vùng cao của huyện Tuần Giáo chỉ sản xuất được một vụ. Khi mùa mưa về cũng là lúc hoạt động sản xuất trên các nương rẫy và vùng thung lũng, bước vào thời điểm đông kỳ, chí vụ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra các hiện tượng tự nhiên tiêu cực, ảnh hưởng đến mùa màng và cuộc sống của người dân.

b
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực đèo Hoa, huyện Tuần Giáo sau trận mưa lũ hồi cuối tháng 5/2013.


Vào mùa mưa các hiện tượng thường xảy ra nhất ở vùng núi cao, đồi dốc Tuần Giáo là sạt lở đất và xói mòn, rửa trôi. Khe suối nhỏ tại khu vực bản Pó Lếch trên đèo Hoa, hầu như năm nào cũng xảy ra sạt lở cục bộ sau những đợt mưa lớn. Trong 2 ngày 30 và 31/5 vừa qua, sau khi có mưa kéo dài, tại đây đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Một khối lượng lớn đất đá bị lũ cuốn trôi, tràn xuống làm tắc nghẽn cống thoát nước và tràn lên mặt đường, gây ách giao thông. Đợt lũ này cũng làm cho gần 1ha lúa nương của người dân bản Ta Lếch – Pó Lếch, xã Mùn Chung bị mất trắng do rửa trôi và bị đất đá vùi lấp.
 
Dòng Nậm Ca hiền hòa chảy qua các xã Quài Cang, Quài Tở, thị trấn Tuần Giáo và xuôi xuống Chiềng Sinh thường ngày vẫn đem nước mát và phù sa bồi đắp, làm nên những vụ mùa tươi tốt cho những cánh đồng nơi nó chảy qua. Nhưng không ai có thể biết trước khi nào dòng nước ở đây sẽ trở nên dữ dội. Cũng vào ngày 30/5 vừa qua, lũ lụt đã xảy ra trên toàn bộ lưu vực suối Nậm Ca. Tận mắt chứng kiến dòng lũ mạnh cuồn cuộn chảy tưởng chừng như có thể cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó, mới thấy cơn cuồng lộ của thiên nhiên đáng sợ tới mức nào. Chỉ tính riêng trên địa bàn thị trấn Tuần Giáo, trong vòng một buổi sáng đã có nhiều ao cá, hoa màu của người dân ở khối Xuân Thủy, và một số khu vực khác của thị trấn đã chìm ngập trong nước lũ. Theo người dân địa phương thì 15 năm trở lại đây mới xảy ra một trận lũ lớn như thế này.

b
Khu chăn nuôi của gia đình ông Dương Văn Lập, khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo bị ngập trong nước lũ.


Gia đình ông Dương Văn Lập ở khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo vẫn làm vườn và làm chuồng trại chăn nuôi trên vùng bãi ven suối từ nhiều năm nay mà không hề hấn gì; nhưng trận lũ ngày 30/5 vừa qua đã làm ngập toàn bộ diện tích hoa màu và chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông. Do không chủ động phòng bị, nên đến khi nước lũ dâng cao, gia đình ông Lập mới vận chuyển thức ăn chăn nuôi và gia súc ra khỏi chuồng trại. Được chính quyền địa phương và bà con khối phố giúp đỡ, gia đình ông may mắn đã không có thiệt hại gì về người và vật nuôi, nhưng hơn 500 kg thức ăn chăn nuôi và 200 kg phân bón thì đã bị hỏng ướt.

Mưa lũ là hiện tượng vẫn xảy ra hàng năm tại khu vực các xã Quài Tở, Quài Cang và Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Nhưng người dân ở đây hầu như vẫn chưa hề chủ động để đối phó với những trận lũ như trận lũ hôm 30/5 vừa qua. Tâm lý chủ quan cũng là một trong những nguyên nhân, đem đến nhiều mối nguy cơ cho con người khi đối mặt với mùa nước lũ. Để người dân chủ động hơn trong việc phòng chống bão lũ, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền tới cơ sở. Dù vậy thì mỗi khi có mưa lũ xảy ra, người dân địa phương vẫn luôn có cách hành xử của riêng mình…

b
Hai mẹ con liều mình vớt củi ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo.


Những thiệt hại và nguy cơ đe dọa luôn được cảnh báo trước mùa bão lũ. Thế nhưng năm nào bão và mưa lũ cũng khiến cho người dân bị thiệt hại. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo, năm 2012 mưa lũ trên địa bàn đã làm 1 người thiệt mạng, trên 20 ha lúa và hoa màu bị bồi lấp, trên 40 công trình mương phai thủy lợi bị cuốn trôi và hư hại,  trên 100 căn nhà bị tốc mái. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 4/2013 đến nay, bão và mưa lũ đã làm thiệt hại khoảng 8 ha lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn huyện, trên 20 căn nhà bị đổ sập và tốc mái, 7 cầu tạm bị cuốn trôi, ngoài ra còn thiệt hại về gia súc, gia cầm và một số tài sản khác của người dân, ước tính tổng thiệt hại khoảng 520 triệu đồng.

Bão lũ là hiện tượng thiên nhiên thường xuyên xảy ra ở những vùng có khí hậu nhiệt đời gió mùa như nước ta. Riêng ở các tỉnh miền núi hiện tượng lốc xoáy, lũ quét thường gây ra thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người. Để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại mà thiên tai gây ra, cách xử sự của con người đóng vai trò rất lớn. Chủ động phòng tránh hơn tìm cách khắc phục, cẩn trọng trước những nguy cơ và luôn nghĩ về cái gốc của thiên tai, để có thái độ hành xử đúng đắn trước thiên nhiên, chính là cách xử sự con người cần có trước thiên tai và những mối hiểm họa mà nó gây ra.

    

Minh Giang – Huy Long

.