Chất độc màu da cam - nỗi đau bao giờ nguôi
Điện Biên TV - Đất nước hoàn toàn độc lập, tự do song vẫn còn không ít người vẫn đang hàng ngày bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Gia đình ông Trần Văn Thắng thương binh hạng 4/4 và vợ là bà Nguyễn Thị Nầm, trú tại đội 2, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, sinh được 6 người con thì 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Mặc dù các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ gia đình, nhưng cũng không thể nào xóa hết được sự vất vả, khổ cực trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Ngày qua ngày bà Nầm vừa phải kìm nén nỗi đau về tinh thần, vừa phải gồng gánh nuôi những đứa con bị nhiễm chất độc da cam quái ác. Trần Văn Mạnh (SN 1982) và Trần Văn Toàn (SN 1985), từ khi sinh ra Mạnh và Toàn do bị nhiễm chất độc màu da cam từ người cha. Có lúc thì tỉnh, có lúc lại điên điên, khùng khùng.
Bà Nguyễn Thị Nầm, nghẹn lời: “Nghĩ chỉ biết thương các con, chúng bệnh tật như thế không thể có hạnh phúc riêng, bố mẹ thì giả cả cũng không thể sống mãi mà chăm lo cho con được. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ các cháu”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nầm và 2 người con trai bị nhiễm chất độc màu da cam. |
Ông Lê Xuân Chinh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên bị nhiễm chất độc màu da cam khi tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hiện sức khỏe ốm yếu, nhưng ông Chinh vẫn phải vất vả cùng vợ chồng người con trai bị nhiễm chất độc da cam, chăm sóc đứa cháu nội sinh năm 2008 cũng bị nhiễm chất độc da cam. Hàng tháng, cuộc sống của cả gia đình chỉ dựa vào số tiền hơn 3 triệu đồng Nhà nước trợ cấp cho ông. Năm 2004, nhờ có những tấm lòng hảo tâm của các cấp, ngành và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Báo Quân đội nhân dân đã hỗ trợ xây dựng cho gia đình ông ngôi nhà, giúp gia đình vơi bớt khó khăn.
Ông Chinh chia sẻ: “Sau khi tham gia chiến đấu giải phóng Thành cổ Quảng Trị, trở về quê hương Thái Bình rồi lên Điện Biên xây dựng quê hương mới, lấy vợ sinh 2 con gái đầu lành lặn tôi vẫn không hề biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ chồng tôi sinh thêm được cháu trai, có lẽ do ảnh hưởng chất độc da cam nên tay cháu bị khoèo song gia đình cũng không hề biết nguyên nhân là do đó. Chỉ tới khi cháu xây dựng gia đình và sinh con, cháu nội tôi không được khôn ngoan, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác thì gia đình mới biết tôi bị nhiễm chất độc màu da cam nên đã ảnh hưởng tới cháu. Mỗi khi nhìn cháu lòng tôi đau như cắt, trách sao những kẻ gây chiến lại quá tàn độc, rải một loại chất độc gây ảnh hưởng tới cả thế hệ con cháu của chúng tôi”. Rồi nước mắt ông nhòa đi.
![]() |
Nỗi đau chiến tranh có lẽ chẳng thể nào vơi với ông Lê Xuân Chinh bởi chất độc da cam không cho con ông, cháu ông được giống như bao người bình thường khác. |
Xã Thanh Yên huyện Điên Biên hiện có 16 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền xã đang phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn rà soát các đối tượng chính sách và các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam để có những chính sách hỗ trợ.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau mà chiến tranh để lại vẫn chưa hề nguôi, nhất là với những nạn nhân của chất độc màu da cam. Năm nay kỷ niệm 52 năm thảm họa chất độc da cam tại Việt Nam, trên khắp cả nước những hoạt động tri ân chính là để cùng chung tay góp sức với cộng đồng xoa dịu những trái tim đang ngày đêm rỉ máu vì chất độc da cam hủy hoại.
Thái Thanh - Duy Hải