Phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình trong xây dựng nông thôn

Thứ Hai, 26/08/2013, 14:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định được vai trò quan trọng của kinh tế hộ gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trên đường xây dựng nông thôn mới một số xã của huyện Điện Biên Đông đã tích cực huy động các nguồn lực, hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và con giống để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

nc
Trong 5 năm trở lại đây, xã Mường Luân đã có thêm trên 80 ha ruộng nước do người dân tự tổ chức khai phá

Xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông có trên 90% lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cũng như các xã nông thôn khác  trên toàn tỉnh, nông dân ở đây sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, nên phát triển kinh tế hộ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định được điều này, trong 5 năm gần đây, xã Mường Luân đã huy động các nguồn lực, tạo điều kiện và khuyến khích mô hình kinh tế hộ gia đình phát triển.

Với các hộ dân làm nông nghiệp ở một xã nông thôn miền núi như Mường Luân, việc mở mang ruộng đất, nhất là ruộng nước 2 vụ, rất quan trọng. Có đất sản xuất 2 vụ, tỷ lệ hộ đói giáp hạt hàng năm sẽ giảm đi, cuộc sống của người nông dân vì vậy cũng sẽ dần ổn định. Để tăng diện tích đất sản xuất, nhất là diện tích lúa nước 2 vụ của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Mường Luân đã đưa ra chủ trương vận động các hộ gia đình tích cực khai hoang ruộng bậc thang. Với lợi thế là xã thuộc huyện nghèo, được hưởng chính sách hỗ trợ khai hoang theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Mường Luân đã được người dân hưởng ứng. Đã có rất nhiều hộ gia đình chủ động dùng nguồn vốn tự có cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức san gạt mặt bằng và làm đường ống dẫn nước lên khu vực đồi núi để làm ruộng nước. Trong 5 năm trở lại đây, toàn xã đã có thêm trên 80 ha ruộng nước do người dân tự tổ chức khai phá. Có thể nói, khai hoang ruộng nước và sản xuất lương thực để đảm bảo lương thực cho các hộ gia đình đã được xã coi là nền tảng để phát triển kinh tế hộ.

Không chỉ vận động các hộ gia đình khai hoang ruộng nước, UBND xã Mường Luân cũng chỉ đạo các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp, giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Hiện nay, xã đã thành lập được 2 tổ vay vốn, tín chấp giúp các hộ gia đình trong xã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để phát triển chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ.

Với mong muốn nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống và lo cho con cái được học hành đầy đủ, năm 2010, gia đình ông Lò Văn Thương ở bản Pá Pao đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông để đầu tư chăn nuôi gia súc. Vào thời điểm ấy, lãi suất cho hộ gia đình vay phục vụ sản xuất nông nghiệp của Ngân hàng NN&PTNT là 12%/năm. Vì được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ dành cho các hộ dân thuộc huyện nghèo nên gia đình ông Thương được giảm 50% lãi suất. Từ 2 con bò, 2 con trâu mua bằng vốn vay ưu đãi và vốn tự có của gia đình, đến nay đàn trâu bò của gia đình ông Thương đã tăng lên 12 con. Ngoài ra, ông còn tiếp tục đầu tư chăn nuôi các loại gia súc khác như dê, lợn. Với việc bán gia súc hàng năm, thu nhập của gia đình ông Lò Văn Thương đã được nâng lên. Cuối năm nay, gia đình ông sẽ hoàn trả phần vốn vay còn lại cho Ngân hàng NN&PTNT huyện.

Cũng như gia đình ông Thương, năm 2002, gia đình anh Lò Văn Ký ở bản Na Sản đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông với số tiền 15 triệu đồng để chăn nuôi tăng gia. Sau khi đầu tư có hiệu quả và hoàn vốn cho ngân hàng, gia đình anh lại tiếp tục đầu tư khai hoang, chăn nuôi. Năm 2011, gia đình anh Ký được Ngân hàng NN&PTNT huyện cho vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng. Anh tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất. Đối với gia đình anh Ký những gì có được ngày hôm nay đều xuất phát từ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Lò Văn Ký chia sẻ: "Tôi được ngân hàng cho vay vốn mua trâu, bò để phát triển chăn nuôi và lấy sức kéo. Ngoài ra, tôi còn mua thêm vịt, gà và trồng ngô, lúa. Giờ đây, tôi đã có tiền mua được xe máy, máy xay xát, cả máy cày nữa. Gia đình tôi đã hết đói nghèo rồi!"

nc
Điện Biên Đông có trên 800 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Hiện nay, cùng với việc phát huy nội lực, chính sách tín dụng ưu đãi đã, đang giúp cho nhiều hộ gia đình ở xã Mường Luân vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Đây cũng là đòn bẩy giúp mô hình kinh tế hộ ở Mường Luân nói riêng và ở huyện nghèo Điện Biên Đông nói chung ngày càng phát triển. Tuy hiện nay, hoạt động phát triển kinh tế hộ ở Mường Luân chủ yếu vẫn là hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng kinh tế hộ phát triển, đời sống hộ gia đình được đảm bảo đã góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí giảm nghèo, tăng thu nhập của người dân.

Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Điện Biên Đông đang gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Để có thể tập trung các nguồn lực cho xây dựng nông thôn, việc phát triển mô hình kinh tế hộ có vai trò quan trọng. Nếu như các mô hình sản xuất khác như: Hợp tác xã nông nghiệp; doanh nghiệp nông nghiệp… chỉ có thể tiến hành được một số khâu trong quá trình sản xuất, tái sản xuất thì hộ gia đình lại có thể đảm nhiệm tất cả các khâu và có thể hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các hoạt động sản xuất của mình. Bởi vậy, khi địa phương có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thì sự tham gia của hộ gia đình sẽ giúp địa phương khai thác được các nguồn lực còn tiềm ẩn trong dân cư, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế chung.

Theo thống kê kết quả thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ IV của Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông, toàn huyện có trên 800 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên/năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế hộ gia đình ở Điện Biên Đông đã và đang góp phần giúp địa phương từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và phát triển các ngành nghề ở khu vực  nông thôn. Sự mở rộng quy mô sản xuất của các hộ gia đình sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương đi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, Nhà nước ta đã có những chính sách pháp luật nới rộng quyền hạn của người nông dân đối với ruộng đất. Với những chính sách như: Giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu rừng kinh tế, sự tự chủ của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được phát huy. Đây là điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình ở nông thôn có thể khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai mình đang được sử dụng nhằm nâng cao thu nhập. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để mô hình kinh tế hộ gia đình khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của mình trên con đường xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới./.

 

Minh Giang – Huy Long

.