Bảo hộ lao động còn nhiều vướng mắc
Điện Biên TV - Những năm qua, do chưa hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên việc sử dụng bảo hộ lao động (BHLĐ) của một số người lao động cũng như đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động còn chưa được chú trọng. Điều đó đã và đang là vấn đề đáng lo ngại đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Ông Bạch Tùng Dương, Chánh Thanh tra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết và 4 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến trường hợp trên chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động. Ở một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn cho người lao động; người sử dụng lao động, cán bộ BHLĐ chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy trình về ATVSLĐ trong đơn vị...
Ghi nhận của chúng tôi tại một số công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng các trang bị BHLĐ của người lao động thường không đồng bộ; đội thi công trên công trường khoảng 15 – 20 người cũng chỉ có một vài người trang bị đầy đủ. Trao đổi về vấn đề này, một công nhân của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàng đang thi công nâng cấp quốc lộ 12 đoạn từ huyện Mường Chà đi T.X Mường Lay chia sẻ: Tôi làm việc cho công ty đã hơn 1 năm. Khi bắt đầu làm việc tại công ty, đơn vị cũng đã tổ chức khám sức khỏe, cấp đầy đủ các trang bị BHLĐ, tập huấn kiến thức về ATVSLĐ... Thế nhưng, do lao động trên công trường thời tiết khó chịu, vướng víu nên cứ mang vào được một lúc lại phải bỏ ra; một phần cho thoải mái, một phần là thuận tiện quá trình đi lại vận chuyển vật liệu. Nói về việc kiểm tra và nhắc nhở từ phía đơn vị chủ quản, công nhân trên cho biết: Đơn vị cũng thường xuyên nhắc nhở công nhân nhưng nhiều lúc cũng phải linh động cho anh em vì có hôm trời mưa người ướt sũng cũng không thể sử dụng BHLĐ tiếp được.
![]() |
Không sử dụng trang bị bảo hộ lao động đã và đang là vấn đề đáng lo ngại có thể xảy ra nhiều trường hợp rủi do đối với người lao động. |
Việc cung cấp trang bị BHLĐ cũng như tập huấn nâng cao kiến thức ATVSLĐ cho người lao động là một điều cần thiết và bắt buộc. Thế nhưng, ở một số công ty, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, không chỉ người lao động thờ ơ với BHLĐ mà chính lãnh đạo cũng không mấy mặn mà với vấn đề này. Trao đổi với ông Đỗ Quân Tùng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hải Lộc, được biết, công ty có khoảng 20 công nhân thường xuyên làm việc trên công trường như: làm đường, làm cầu... Mỗi năm, đơn vị trang bị BHLĐ cho công nhân 2 lần. Tuy nhiên, việc tổ chức khám sức khỏe cho công nhân theo định kỳ lại không được thực hiện. Đồng thời, về phía người lao động, họ cũng không có kiến nghị hay ý kiến gì vơi công ty về vấn đề đó. Ông Tùng cho rằng, trong hồ sơ xin việc của công nhân, họ có đầy đủ các loại giấy tờ, kể cả giấy khám sức khỏe nên việc khám sức khỏe cho công nhân hàng năm là không cần thiết, khi nào có người ốm đau thì công ty sẽ chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp với đơn vị chức năng khám chữa bệnh cho người lao động... Qua câu chuyện của ông Tùng, chúng tôi thấy rằng, không những người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ lao động mà ngay chính phía lãnh đạo công ty cũng không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của BHLĐ.
Việc bảo hộ cho người lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích của đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần thiết phải thực hiện và hiểu biết về BHLĐ để cung cấp thông tin cho người lao động. Tùy thuộc vào từng ngành nghề lao động mà sẽ có những trang bị về thiết bị bảo hộ lao động khác nhau. Có thể trang bị bảo vệ cho bản thân người lao động như quần áo bảo hộ lao động, quần áo chống cháy, kính bảo hộ, găng tay cách điện hay những thiết bị khác cũng mang tính chất bảo hộ lao động, như: các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảng hiệu an toàn, bảng chỉ dẫn. Dù đó là loại BHLĐ nào đi nữa thì cũng đều có chung mục đích là bảo vệ an toàn cho sức khỏe người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lao động thường cho rằng, sử dụng trang bị bảo hộ lao động gây khó khăn trong di chuyển hoặc làm việc không được nhanh nên không sử dụng. Trong khi đó, cán bộ chỉ huy tại công trình cũng làm lơ hoặc chưa chú tâm, quán triệt công tác ATVSLĐ, nhắc nhở hoặc đình chỉ công nhân nếu không sử dụng trang bị bảo hộ lao động cá nhân. Đó là vấn đề đáng lo ngại trong tình hình hiện nay.
Để công tác ATVSLĐ ở các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động đạt kết quả tốt cũng như người lao động hiểu được tầm quan trọng của BHLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo ông Bạch Tùng Dương, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động; các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động cần phải thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch BHLĐ đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, cần chú ý tới môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATVSLĐ... Tuy nhiên, ngoài các biện pháp trên, ý thức chấp hành của người lao động trong việc sử dụng BHLĐ nói riêng, ATVSLĐ nói chung sẽ giúp cho người lao động hạn chế tối đa các trường hợp rủi ro trong lao động.
Văn Quyết