Về quê hương người Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính
Điện Biên TV - Xã Pú Nhung, huyên Tuần Giáo vốn đã nổi tiếng từ lâu là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là nơi đã sinh ra người Anh hùng thiếu niên dân tộc, liệt sĩ Vừ A Dính.
Con đường nhỏ dài 12 km từ thị trấn Tuần Giáo vào Pú Nhung mềm mại như một dải lụa, bồng bềnh xuyên qua những vườn mía, nương ngô, ruộng lúa xanh ngút ngàn hai bên. Đến Pú Nhung, hỏi nhà anh trai của liệt sĩ Vừ A Dính thì từ em nhỏ cho tới người qua đường, ai cũng biết để chỉ cặn kẽ. Theo con đường đất nằm giữa bãi ngô đang phơi bắp trĩu hạt, chúng tôi tìm đến nhà cụ Vừ Gà Lử, hiện đang sống ở bản Đề Chia A, là người anh duy nhất còn sống, trong 8 anh chị em của người Anh hùng thiếu niên.
Ấn tượng đầu tiên lọt vào mắt chúng tôi là ngôi nhà gỗ rộng tới 10 gian của gia đình cụ Lử, một ngôi nhà rất hiếm gặp của đồng bào dân tộc Mông. Năm nay đã 95 tuổi, nhưng cụ Lử vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn, đang còn bận chăm sóc ao cá ở gần nhà. Dẫn chúng tôi vào phòng khách là nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, cụ Lử lặng lẽ thắp hương dưới bức ảnh chụp tượng bán thân của liệt sĩ Vừ A Dính. Vừa gạt nước mắt, cụ vừa ôn lại kỷ niệm về người em trai thân yêu của mình: “Ngày đó, giặc Pháp và lính dõng còn ở đây nhiều lắm. Cả nhà tôi đều tham gia du kích hoạt động bí mật, hay làm liên lạc, tiếp tế cho đội du kích và bộ đội Việt Minh. Em Dính lúc ấy mới 13 tuổi, đi làm liên lạc cho cán bộ cách mạng, bị địch bắt. Nghe kể lại, em bị bọn giặc bắt trên đường đi công tác, bị đánh 3 ngày đến gãy cả chân mà không khai nơi du kích ở. Bị giặc bắt dẫn đi tìm nơi cán bộ hoạt động, em bắt chúng làm cáng, dẫn đi vòng vèo mãi rồi lại quay về cây đào ở khe Trúc, gần Đồn Bản Chăn. Bọn giặc tức quá, xả súng bắn chết em rồi treo xác lên cây đào. Năm đó em còn chưa đến 15 tuổi…”.
Cụ Vừ Gà Lử bên ban thờ của gia đình. Không chỉ có Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính mà gia đình cụ còn có nhiều thế hệ cống hiến sức mình, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. |
Qua những tấm Bằng Tổ quốc ghi công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến... và qua lời giới thiệu của cụ Lử chúng tôi được biết: cụ cố Vừ A Chia, tham gia hoạt động cách mạng, được truy tặng Huân chương Độc lập; cụ bà Sùng Thị Plây, vừa là liệt sĩ, vừa là Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân sinh ra cụ Lử và Vừ A Dính; cụ ông Vừ Chống Lầu, là cán bộ Việt Minh, người thân sinh ra cụ và em Dính đã bị địch thủ tiêu trong nhà tù…
Gia đình cụ Lử hiện tại sống khá sung túc trong ngôi nhà lớn, có khá nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn hoa trái sum suê trĩu quả, mấy con trâu mộng đang nằm thở phì phò dưới tán cây nhãn, cây soài tươi tốt. Con đường lót đá tảng lọt dưới những tán cây dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà khác nằm trên bờ một ao cá rộng lớn. Cụ Lử kể, mỗi năm cá đánh bắt lên, cũng đem lại thu nhập cho gia đình hàng chục triệu đồng. Cụ bảo nhờ có Đảng, Chính phủ mà đồng bào Pú Nhung đã có đường ô tô đi đến nơi, ngô sắn bà con trồng được đã có người vào mua tận nhà nên cũng đỡ khổ hơn trước rất nhiều. Đường điện đã kéo về xã từ nhiều năm qua, đem lại ánh sáng đến với bà con. Trong gia đình, mọi người đều đoàn kết, cố gắng lao động nên cuộc sống cũng khá sung túc. Nhà cụ Lử có 14 người con, nhiều người được học hành, trở thành cán bộ nhà nước, làm đến chức Chủ tịch huyện Tuần Giáo, hay cán bộ ở Tòa án (những người con này đều đã mất). Bản thân cụ sau giải phóng cũng có nhiều năm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Pú Nhung… Cô cháu nội đang giúp chúng tôi phiên dịch lời của cụ, hiện cũng đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Tây Bắc.
Học sinh Trường Tiểu học xã Pú Nhung. |
Pú Nhung hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhiều công trình lớn đã mọc lên như Trường THCS mang tên người Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính, Trường Tiểu học Pú Nhung; hay Trụ sở UBND xã cao tới 3 tầng, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cột phát sóng phát thanh - truyền hình, phát sóng điện thoại di động ngay giữa trung tâm xã đã góp phần nâng cao mức sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Với 713 hộ, trong đó có tới 98,6% là đồng bào dân tộc Mông, Pú Nhung có gần 1.600 ha đất nông nghiệp gieo trồng cả 2 vụ các loại cây lương thực như lúa ruộng, lúa nương, ngô, sắn đạt sản lượng trên 2.800 tấn lương thực có hạt… cùng các loại cây công nghiệp, dược liệu như cà phê, thảo quả... Ông Sùng Dũng Phía, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, cho biết: Từ nhiều năm nay, bà con đã bắt đầu biết sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp như ngô, đậu tương…theo hướng chuyên canh sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường. Bởi vậy tỷ lệ đói nghèo của Pú Nhung hiện tại đã giảm xuống chỉ còn gần 14%. Nhiều gia đình đã biết phát triển kinh tế hộ gia đình như đảng viên Vừ Khua Xá ở bản Đề Chia A, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng nhãn, trồng thảo quả với mức thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng…
Kinh tế địa phương đã phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, Pú Nhung hiện đang trở thành vùng đất có nhiều sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường bên ngoài. Bởi vậy, niềm mong mỏi lớn nhất của đồng bào trên vùng căn cứ cách mạng này là con đường nối Pú Nhung với trung tâm huyện sớm được cải tạo, nâng cấp, để sản phẩm của bà con có thể chuyên chở dễ dàng ra bên ngoài, nâng cao hơn nữa cuộc sống của nhân dân trên quê hương người Anh hùng liệt sĩ thiếu niên Vừ A Dính.
Dương Huyền