Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Điện Biên quá trình ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ Hai, 20/07/2015, 15:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mỗi ngày các cơ Sở Y tế và bệnh viện lớn, nhỏ các tuyến thải ra hàng chục tấn rác thải cùng một lượng nước thải khổng lồ. Chất thải rắn và nước thải y tế mang nhiều yếu tố độc hại như: mầm bệnh, chất phóng xạ, chất hóa học, nếu không được xử lý đúng cách, thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Trước yêu cầu cấp bách về vệ sinh môi trường trong khu vực bệnh viện cũng như tại cộng đồng dân cư xung quanh, một số bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải cũng như chất thải rắn, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những nguy cơ do rác thải và nước thải y tế gây ra với môi trường cũng như sức khỏe người dân.

Tỉnh Điện Biên có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện đa khoa các huyện, thị, thành phố, 17 phòng khám đa khoa khu vực và 130 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Do hệ thống xử lý rác thải, nước thải bệnh viện chưa được chú ý, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế vẫn xử lý rác thải bằng lò đốt thủ công, hoặc bằng biện pháp chôn lấp. Khi chất thải y tế được chôn lấp hoặc đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn, sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và hệ sinh thái. Đây chính là lý do khiến nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bệnh viện Y học Cổ truyền  tỉnh cũng là một trong số các cơ sở y tế nằm trong danh sách này

Năm 2003, tiếp nhận cơ sở hạ tầng cũ, chưa có hệ thống xử lý nước thải và chất thải y tế đúng quy định tiêu chuẩn, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh có tên trong danh sách cơ Sở Y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng, theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ. Là nơi đón nhận, chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm, nhưng cũng là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đây là thực tế nhức nhối đòi hỏi bệnh viện phải tìm cách khắc phục trong nhiều năm.

Sau 4 năm trăn trở tìm cách xử lý rác thải bệnh viện, năm 2007 đề án cải tạo Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã được thông qua. Cùng với cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát, hệ thống xử lý nước thải bệnh viện cũng được xây dựng mới. Xử lý nước thải bệnh viện là khâu quan trọng trong chuỗi giải pháp bảo vệ môi trường, trước tác hại của nước thải và rác thải bệnh viện.

Nhờ sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã lựa chọn được mô hình xử lý nước thải phù hợp với mô hình và quy mô công trình theo đề án cải tạo bệnh viện. Hệ thống xử lý nước thải bệnh viện sử dụng công nghệ sinh học, cụ thể là dùng các vi sinh vật kỵ khí, phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải thành các chất vô cơ ở dạng đơn giản. Từ bể sinh học kỵ khí, nước thải tiếp tục được lọc, khủ qua các bể hiếu khí, bể lắng, khủ trùng, sau đó mới thải ra môi trường.

c c
Đây là hệ thống xử lý nước thải bệnh viện Y học Cổ truyền sử dụng công nghệ sinh học, cụ thể là dùng các vi sinh vật kỵ khí, phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải thành các chất vô cơ ở dạng đơn giản.

Từ năm 2009 đến năm 2012, bệnh viện tiếp tục đề xuất với Sở Y tế xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn. Chất thải rắn của bệnh viện hiện nay được xử lý bằng công nghệ lò đốt. Thuận lợi của cơ sở này là chất thải rắn không nhiều, chủ yếu là bã thuốc, bông băng, bơm kim tiêm. Mỗi ngày bệnh viện thải ra khoảng 5 đến 10 kg chất thải rắn các loại. Các chất thải này được phân loại ngay tại nơi phát sinh, sau đó đưa đến nơi lưu giữ đúng quy định và được đưa vào xử lý bằng lò đốt rác một buồng. Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn hoàn thành, giúp bệnh viện xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Điện Biên cho biết: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho phép bệnh viện làm chủ đầu từ nâng cấp giai đoạn 1, theo quyết định 1902 của UBND tỉnh bệnh viện cũng đã được phê duyệt nâng cấp cải tạo, năm 2012 bệnh viện hoàn thành  việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở các hệ thống xử lý nước thải lỏng đầu năm 2013 hệ thống xử lý rác thải rắn đã hoàn thành. Hiện tại Bệnh viện Y học Cổ truyền ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêp trọng

Qua 3 năm vận hành thử nghiệm, hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn của Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, được đánh giá đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức. Hệ thống này vẫn đang được vận hành liên tục hàng ngày. Chất thải rắn cũng như nước thải bệnh viện sau khi qua xử lý đã được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá hàng năm. Theo quyết định số 163/QĐ-STNMT ngày 10/12/2014 của Sở Tài nguyên môi trường, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngày 26/1/2015, UBND tỉnh cũng ra quyết định cho phép bệnh viện xả nước thải vào nguồn nước, chất lượng nước thải được xác định đạt quy chuẩn, kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải y tế.

c
Mỗi ngày bệnh viện thải ra khoảng 5 đến 10 kg chất thải rắn các loại. Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn hoàn thành, giúp bệnh viện xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực

Để khẳng định rõ hơn hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn của Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, chúng tôi có tìm hiểu tại khu dân cư xung quanh, đặc biệt là tổ dân cư 25, 26, phường Mường Thanh nằm sát ngay phía trước và sau bệnh viện. Theo phản ánh của người dân ở đây, khi bệnh viện xây dựng theo mô hình cũ được đặt tại đây còn chưa được cải tạo, bệnh viện này là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm do nước thải y tế xả thải ra suối Hồng Líu chảy qua khu dân cư ; ô nhiễm do khói lò đốt thủ công, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên sau khi Bệnh viện Y học Cổ truyền lập và thực hiện đề án bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường trước đây đã được khắc phục. Không còn tình trạng không khí ngột ngạt từ khói lò đốt, dòng suối sạch sẽ và an toàn hơn, đem đến niềm vui cho toàn bộ khu dân cư.

Rác thải và nước thải bệnh viện được xác định gồm nhiều loại chất thải khác nhau như: chất thải sinh hoạt, chất thải có yếu tố hóa học, phóng xạ độc hại và các vật chứa có áp suất. Trong quá trình phân loại xử lý, chất thải y tế được chia ra làm 5 nhóm, với phương pháp xử lý khác nhau, gồm các nhóm: chất thải lây nhiễm ; vật sắc nhọn ; chất thải phòng thí nghiệm ; dược phẩm và chất thải bệnh phẩm. Chất thải rắn, chất thải lây nhiễm và nước thải y tế là mối đe dọa lớn tới môi trường dân cư xung quanh. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, các loại vi khuẩn nấm, ký sinh trùng, mầm bệnh thải ra môi trường đất, nước và không khí, sẽ bị phát tán, xâm nhập vào cây trồng, vật nuôi và trở lại với con người, gây ra những căn bệnh hiểm nghèo. Như lao phổi, ung thư và các căn bệnh khác

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta mới có 7/14 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng, trong đó 5 cơ sở được cấp giấy phép xả thải. Vẫn còn 9/10 trung tâm y tế, 17 phòng khám đa khoa khu vực, 130 trạm xá xã, phường, thị trấn chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng, họ chỉ xử lý ban đầu bằng cloraminB rồi xả ra môi trường. Hệ thống lò đốt chất thải bệnh viện hiện nay hầu hết đều chỉ phù hợp với các cơ sở y tế quy mô nhỏ, công suất thấp, chưa lọc được khí dioxin, loại khí có thể gây nhiễm độc cho cơ thể con người và gây ra các thảm họa sinh thái. Ngay từ bây giờ ngành chức năng và các cơ sở y tế cần có sự quan tâm đúng mức tới việc xây dựng hệ thống xư lý chất thải và nước thải y tế, tránh gây ra tác động môi trường lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.


      Minh Giang –  Anh Tuấn      

.