Điều chỉnh quy mô hoặc thu hồi đất đối với các dự án trồng mắc ca chậm tiến độ

Thứ Tư, 12/10/2022, 09:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức kỳ họp thứ 40 để nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án trồng cây mắc ca được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Dự hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố triển khai dự án trồng mắc ca cùng dự.

1
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận tại hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô gần 86.000ha. Hiện các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 15.400ha, đạt 18%; tổ chức trồng được trên 4.200ha cây mắc ca, đạt trên 28% so với tiến độ phê duyệt (kế hoạch trồng năm 2022 trên 14.780 ha).

Tổng kinh phí nhà đầu tư đã giải ngân cho các dự án trồng mắc ca trên 1.320 tỷ đồng, đạt 8,5% so với tổng vốn đăng ký của các dự án.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 4/13 dự án đã thực hiện phê duyệt dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa lấy ý kiến tham gia thẩm định của các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án.
Các dự án trồng mắc ca tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 người dân trong vùng dự án với mức lương từ 5 - 12 triệu đồng/tháng. Toàn tỉnh đã thành lập 11 hợp tác xã mắc ca.

Theo đánh giá, việc thực hiện các dự án trồng mắc ca đang rất chậm so với cam kết của các nhà đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án, làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là các thủ tục về đất đai. Một số hộ dân chưa ủng hộ, tham gia thực hiện dự án trồng mắc ca.

Một số dự án đã được nhà đầu tư thực hiện trồng nhưng hiện nay không được quan tâm chăm sóc, chậm trả tiền công cho người lao động kéo dài làm giảm niềm tin, ủng hộ của người dân tham gia thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh. Một số hợp tác xã mắc ca đã được thành lập nhưng mới chỉ mang tính hình thức, hoạt động chưa đúng nguyên tắc của Luật Hợp tác xã; năng lực quản trị yếu, hoạt động không hiệu quả....

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca đã nêu  những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại hạn chế trong việc triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn; đồng thời kiến nghị đề xuất một số nội dung, nhằm tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng đề nghị: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khẩn trương đo đạc quy chủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mắc ca theo đúng cam kết; hướng dẫn thành lập các HTX, tổ hợp tác theo hướng cầm tay chỉ việc; quản lý chặt chẽ giống mắc ca trên địa bàn; tăng cường hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo cây mắc ca.

Đối với các dự án chậm tiến độ, đề nghị các nhà đầu tư phải ký cam kết với UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trồng mắc ca theo đúng cam kết. Tập trung nguồn lực để thực hiện kế hoạch trồng cây mắc ca năm 2022; ưu tiên các mô hình mắc ca theo mô hình liên kết; thực hiện đúng cam kết sử dụng lao động là người địa phương.

Đối với các huyện, thị thành phố cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ trồng mắc ca; cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc trồng mắc ca.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiến hành rà soát các dự án chậm tiến độ, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để điều chỉnh, hoặc thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án khác. Đối với dự án chậm tiến độ cho gia hạn, nhưng thời gian không quá 12 tháng, đồng thời làm việc với nhà đầu tư để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo./.

 

 

Minh Thư - Minh Hòa/DIENBIENTV.VN

 

.