Các cơ sở chế biến dong riềng gặp khó khi dừng hoạt động

Chủ Nhật, 12/11/2023, 16:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời điểm này tại xã Nà Tấu đang vào chính vụ thu hoạch và chế biến dong riềng, thế nhưng hiện tại các cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu lại đang bị yêu cầu dừng hoạt động. Việc dừng hoạt động khiến hầu hết các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, bởi số tiền vay ngân hàng đầu tư hệ thống máy móc vẫn chưa trả hết. Không những thế, việc các cơ sở chế biến dừng hoạt động khiến hầu hết các hộ dân trồng dong riềng có nguy cơ không thể tiêu thụ được nông sản.

Năm 2018, gia đình ông Lò Văn Quân, ở bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu đã vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để đầu tư hệ thống máy móc, bể chứa để chế biến dong riềng, với công suất 25-30 tấn/ngày. Từ khi đầu tư hệ thống này đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định; đồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động thời vụ. Thế nhưng, vụ dong riềng năm nay, cơ sở ông buộc dừng hoạt động, với lý do chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép về bảo vệ môt trường và hệ thống xử lý chất thải. Việc tạm dừng hoạt động khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với cơ sở chế biến dong riềng của gia đình anh Lò Văn Tâm, cũng ở bản Phiêng Ban, thời điểm này năm trước mỗi ngày cơ sở thu mua và chế biến từ 20-25 tấn dong riềng/ngày. Tuy nhiên vào vụ dong riềng năm nay, cơ sở của gia đình anh cũng phải dừng hoạt động, cùng với các lý do trên. Việc dừng hoạt động cũng khiến gia đình anh gặp khó khăn, khi số tiền vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng đầu tư máy móc vẫn chưa trả hết.

1
Đầu tư một số tiền lớn vào nhà xưởng, máy móc nhưng lại bị tạm dừng hoạt động khiến nhiều chủ cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ đứng ngồi không yên.

“Nguyên nhân về phía chính quyền bảo không đủ điều kiện để cấp phép trong lĩnh vực môi trường. Hiện tại chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc để cơ sở sớm hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Gia đình tôi cũng vay ngân hàng một số vốn lớn để đầu tư máy móc, nếu không hoạt động sẽ khó hoàn trả công nợ.” - ông Lò Văn Tâm, nói.  

Không chỉ có hai cơ sở chế biến dong riềng trên phải dừng hoạt động, mà hiện tại trên địa bàn xã Nà Tấu còn có 6 cơ sở khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điều đáng nói, các cơ sở này điều đầu tư máy móc công suất lớn, mỗi năm chỉ hoạt động rầm rộ khoảng chừng 2 tháng khi vào mùa dong riềng, còn lại để không. Và nếu không được vận hành trong một thời gian dài sẽ dẫn đến han rỉ, hỏng hóc là điều không tránh khỏi; đặc biệt hàng trăm tấn dong riềng của bà con nông dân nếu không được chế biến kịp thời sẽ hư hỏng, gây thiệt hại cho bà con.

Theo ông Lò Văn Kim, người dân trồng dong riềng, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ: “Cây dong riềng phát triển trên đất Nà Tấu đã hơn 10 năm. Người dân đổ xô đi trồng dong, tận dụng hết tất cả diện tích đất để trồng, cây dong được coi là cây chủ lực của Nà Tấu. Cấm các cơ sở không cho hoạt động sẽ khiến củ dong bị các tư thương dưới xuôi ép giá, trong khi tiêu thụ tại chỗ chỉ có hạn.”

Không thể phủ nhận hoạt động của các cơ sở thu mua, sơ chế dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu những năm qua góp phần không nhỏ giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Và việc các cơ sở chế biến dong riềng dừng hoạt động vào đúng thời điểm mùa dong riềng như thế này không những gây khó khăn cho các cơ cở, mà cho chính cả những người nông dân trồng dong riềng./.

 

 

Minh Thư - Đức Long/DIENBIENTV.VN

 

.