Điện Biên Đông nâng cao giá trị nông sản

Thứ Sáu, 24/11/2023, 11:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tỉnh Ðiện Biên có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó một số sản phẩm như: Gạo, cà phê, chè… đã khẳng định được chất lượng, tạo thương hiệu trên thị trường nông sản Việt Nam. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất, huyện Điện Biên Đông là điển hình.

d
Năm 2023, huyện Điện Biên Đông triển khai 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đang được chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tại Điện Biên Đông chú trọng xây dựng, đồng thời đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng năm 2023, địa phương đã triển khai 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí xanh Tìa Dình với quy mô liên kết 15 ha; nếp tan Luân Giói quy mô gần 50ha/vụ/năm và mắc ca tại xã Pu Nhi, quy mô 15ha. Qua đó, người dân ngày càng được hướng dẫn hoàn thiện hơn về quy trình sản xuất; đồng thời tạo đầu ra bền vững và ổn định cho các sản phẩm địa phương.

Ông Hoàng Thanh Phúc, Đại diện Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc cho biết: “Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mắc ca huyện Điện Biên Đông. Trong dự án này, công ty sẽ là đơn vị đồng hành cùng hợp tác xã và người dân để làm sao mô hình của người dân đạt năng suất, chất lượng cao nhất để đảm bảo được sản phẩm sau khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn công ty sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.”

“Đối với các sản phẩm đang thực hiện liên kết trên địa bàn thì sản phẩm bí xanh Tìa Dình đã là sản phẩm OCOP. Còn đối với sản phẩm gạo nếp tan Luân Giói thì đó là sản phẩm đặc trưng của xã Luân Giói, huyện cũng định hướng sẽ hình thành thêm một sản phẩm OCOP trên địa bàn.” - ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết.

Đối với thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, Điện Biên Đông đã có gần 27.000 trên tổng số 38.000 con trâu, bò được chuyển đổi thành hàng hóa, đạt tỷ lệ trên 71%. Kết quả này có được nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong vận động người dân chuyển đổi từ chăn thả tự do đại gia súc sang nuôi nhốt vỗ béo tập trung theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn cũng tăng cường hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại; chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc; trồng trên 900ha cỏ voi; hỗ trợ người dân thực hiện hàng chục mô hình, dự án chăn nuôi gia súc tại các xã: Na Son, Keo Lôm, Chiềng Sơ...

S
Điện Biên Đông có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy khô.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Điện Biên Đông đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng phát  triển ổn định và tăng qua các năm; cơ cấu đàn vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tăng đàn, tăng loài và dần trở thành hàng hóa. Các vùng chuyên canh về lúa gạo, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc được hình thành. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng mang lại diện mạo mới cho sản phẩm về cả chất lượng, hình thức và số lượng. với 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy khô.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: “Huyện cũng tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, đặc biệt là theo hướng sản xuất hàng hóa. Đối với lĩnh vực trồng trọt là tập trung phát triển cây trồng theo lợi thế của địa phương như: Giống lúa nếp tan, nếp 86, nếp 87, các giống cây trồng mới, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của huyện. Huyện cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trong các kỳ lễ hội.”

Huyện Điện Biên Đông đang quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 29 sản phẩm, trong đó lựa chọn và đầu tư 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

 

Phương Dung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.