Không chủ quan với bệnh uốn ván

Thứ Sáu, 16/06/2023, 14:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm có nguy cơ tử vong rất cao. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 8 ca tử vong do uốn ván, bao gồm cả uốn ván ở trẻ em. Tuy nhiên, vì lý do chủ quan, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi căn bệnh này.

Vì chủ quan nên 7 ngày sau khi giẫm phải đinh sắt, em Giàng A Lành ở xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo mới được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm với các biểu hiện như: Cứng hàm, không há được miệng, nói khó, nuốt khó, co cứng cơ vùng gáy,… Tại đây, bệnh nhân được chuẩn đoán nhiễm uốn ván thể cấp tính. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Giàng A Lành đã dần hồi phục.

Nguồn nhiễm của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương rất nhỏ như: Gà cào gây trầy xước, giẫm phải gai, đinh... Trong khi thời gian ủ bệnh dài từ 5 - 10 ngày, nên thường tạo ra tâm lý chủ quan cho người bệnh. Nếu không được điều trị uốn ván kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Hỏng xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…

D
Mỗi năm, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng gần 30 trường hợp nhiễm uốn ván.

Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng gần 30 trường hợp nhiễm uốn ván. Trong đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện đã ở giai đoạn toàn phát mức độ nặng với nguy cơ tử vong cao, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 8 ca tử vong do uốn ván, đa số chủ quan cho rằng vết thương không nguy hiểm.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trực khuẩn uốn ván thường nằm trong đất và tồn tại rất lâu trong môi trường đất cho nên rất dễ lây nhiễm cho con người khi có những tổn thường như giẫm phải đinh hoặc những tổn thương xước xát ngoài da khác. Khi bị tổn thương bất kể do tai nạn lao động hay trong cuộc sống thường ngày, nếu có tổn thương ở bàn chân hoặc xước xát chân tay cần đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng uốn ván ngay. Tình trạng cứng hàm là dấu hiệu ban đầu để phát hiện ra bệnh uốn ván, sau đó là căng cứng các cơ toàn thân, đặc biệt là cơ hô hấp, dẫn đến nguy cơ tử vong.”

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân có thể chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván bằng cách tiêm vắc xin uốn ván tại các trạm y tế để tạo miễn dịch bảo vệ chủ động. Để tạo miễn dịch cơ bản, cần tiêm 3 mũi vắc xin, trong đó mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin từ sau 5 năm đến 10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững.

 

 

Nhật Oanh - Đức Long/DIENBIENTV.VN
 

.