Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Điện Biên TV - Chiều 8/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
![]() |
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. |
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật có nội dung quy định “Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý không phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Theo đại biểu, để thực hiện quy định này là rất khó vì không có căn cứ để chứng minh người đó cố ý không phát hiện hành vi vi phạm.
Đại biểu phân tích, việc xử lý hành vi không phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra dù vô ý hay cố ý thì đều bị xử lý. Dự thảo Luật đã quy định trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ từ cố ý tại khoản 1, Điều 24 dự thảo Luật.
Về thanh tra lại, dự thảo Luật quy định khi có một trong các căn cứ như: có vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra thì cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra cấp dưới. Đối với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thanh tra lại.
Đại biểu thông tin, theo dự thảo Luật thì Cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế. Dự thảo Luật chưa quy định phân cấp (cấp trên - cấp dưới) đối với các cơ quan thanh tra này.
“Đối với Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh thì đã rõ về mặt phân cấp. Nhưng việc phân cấp giữa thanh tra Chính phủ và cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế thì chưa rõ”, đại biểu phân tích thêm.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định theo hướng Thanh tra Chính phủ thanh tra lại đối với kết luận của Thanh tra Chính phủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thanh tra lại đối với kết luận của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu và cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế.
Đối với cơ quan thanh tra chuyên ngành, nếu chủ trương sau này vẫn tổ chức cơ quan thanh tra của Công an cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước khu vực thì cần quy định cụ thể hoặc giao chính phủ quy định theo hướng Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của Công an cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra lại kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cấp khu vực.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung quyền của đối tượng thanh tra trong việc phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán theo hướng, khi đối tượng thanh tra phát hiện có sự trùng lặp, chồng chéo về thời gian, nội dung tiến hành thanh tra, kiểm toán đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân mình thì có quyền phản ánh với cơ quan thanh tra, kiểm toán để xử lý theo quy định.
Ngoài các nội dung trên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo rà soát quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật bảo đảm phù hợp chủ trương kết thúc hoạt động của Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện tại Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả./.
CTV Mai Hồng/DIENBIENTV.VN