Chính quyền linh hoạt, nhân dân phấn khởi
ĐBP - Để đảm bảo mọi giao dịch của nhân dân được thuận lợi, không gián đoạn, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang hoạt động hết công suất, trách nhiệm, tận tình hướng dẫn người dân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, hệ thống chính quyền hai cấp của tỉnh hoạt động hiệu quả, thông suốt, đảm bảo phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Trước đây, khi kiến nghị giải quyết thủ tục hành chính, không ít nội dung, vấn đề người dân phải qua nhiều cấp từ thôn, xã, huyện rồi lên tỉnh, rất mất thời gian. Hiện nay, với mô hình chính quyền hai cấp, bí thư, chủ tịch cấp xã có quyền giải quyết trực tiếp những vấn đề của người dân. Điều này không chỉ giúp công việc trôi chảy hơn mà còn giúp cán bộ gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân nhanh chóng, kịp thời.
![]() |
Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Núa Ngam phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính. |
Mô hình "một điểm đến, nhiều dịch vụ"
Tại xã Núa Ngam, các quầy tiếp nhận hồ sơ tư pháp, địa chính - môi trường... thường xuyên kín chỗ ngồi. Đội ngũ nhân viên hỗ trợ liên tục hướng dẫn người dân điền thông tin, kiểm tra giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ.
Anh Lò Văn Phong, xã Núa Ngam chia sẻ: Hôm nay tôi đưa bà đến xã làm thủ tục nhận hỗ trợ người cao tuổi. Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công, chứng kiến không khí làm việc tích cực của cán bộ, chuyên viên phục vụ, giải quyết nhu cầu cho người dân một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Do số lượng người đến làm thủ tục hành chính khá đông, nên tôi phải chờ đợi ít phút, nhưng khi đến lượt thì tôi được phục vụ rất tận tình, chu đáo.
![]() |
Hiện nay đang là giai đoạn cán bộ, công chức "tái cấu trúc chính mình" để vươn lên, phát huy năng lực cá nhân. |
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Việc vận hành bộ máy chính quyền mới diễn ra ổn định, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất. Bên cạnh giải quyết nhanh thủ tục hành chính, xã vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế, văn hóa, ổn định trật tự xã hội. Để làm tốt việc đó, ngoài Trung tâm Phục vụ hành chính công được đặt tại trụ sở chính, xã Núa Ngam tăng cường 4 cán bộ tại trụ sở hai xã Na Tông và Hẹ Muông cũ để tiếp nhận hồ sơ. Người dân cần giải quyết thủ tục hành chính không phải đi ra trụ sở chính, rút ngắn thời gian đi lại.
Thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, ngoài thuận lợi về trách nhiệm của cán bộ, công chức, xã Núa Ngam gặp không ít khó khăn đặc biệt về cơ sở vật chất, địa điểm làm việc. Trước hết, trụ sở chính không đủ phòng làm việc, chính quyền xã bố trí nửa cán bộ làm việc tại xã Hẹ Muông cũ, bộ phận chuyên môn và cán bộ chủ chốt dùng chung không gian; chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Đồi phía sau nhà làm việc tại trụ sở chính chưa được kè kiên cố, nguy cơ sạt lở cao; hiện nay xã có khoảng 20 cán bộ, công chức sinh hoạt buổi trưa tại cơ quan, chưa có nhà công vụ.
"Thời gian tới, chính quyền xã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc UBND xã và bố trí nhân sự phải đảm bảo theo yêu cầu để phù hợp với nhiệm vụ hiện nay. Tiếp nhận và tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp xã; ban hành chức năng nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã. Đồng thời ban hành quy trình, quy chế làm việc, quy chế nội bộ, phân công cán bộ phụ trách lĩnh vực. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về địa điểm, hình thức giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân bằng hình thức phù hợp nhất" - ông Trung chia sẻ.
![]() |
Trên cơ sở sáp nhập của 5 xã, khối lượng công việc, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính xã Thanh Nưa tương đối lớn. |
Tăng áp lực, tăng kỳ vọng với cán bộ cơ sở
Việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ là việc sắp xếp tổ chức bộ máy, còn mở ra cơ hội để chính quyền cơ sở phát huy vai trò chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân. Thực tế tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngay sau khi vận hành mô hình mới, các xã, phường bắt tay thực hiện các nhiệm vụ mới, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Mặc dù thời tiết xấu, mưa kéo dài, song không khí làm việc tại trụ sở xã Thanh Nưa rất tất bật, khẩn trương. Đội ngũ cán bộ, công chức đều vui vẻ, phấn khởi, khí thế làm việc. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã, người dân được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và được hướng dẫn cặn kẽ quy trình làm hồ sơ.
![]() |
Người dân khá hài lòng khi đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa. |
Chia sẻ với chúng tôi sau khi hoàn thành việc chứng thực liên quan đến đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa, bà Quàng Thị Nga cho biết: Thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, điều người dân mong chờ nhất là thủ tục hành chính được rút gọn tối đa. Cấp giấy tờ, xác nhận, giải quyết đơn thư... mọi thứ phải nhanh hơn, bớt phiền hà hơn. Người dân bây giờ không muốn đi lại nhiều lần, chờ đợi lâu. Nếu bộ máy mới thực sự làm việc hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, thì đó là thành công lớn nhất, điều mọi người dân đều mong đợi. Tôi cũng mong muốn, thời gian tới, xã sẽ bố trí thêm nhân lực, cán bộ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, đồng thời tăng cường số hóa các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận hồ sơ cho người dân. Bởi sau sáp nhập, lượng hồ sơ sẽ tăng cao nhưng mỗi lĩnh vực chỉ có một cán bộ tiếp nhận, tạo áp lực lớn cho cán bộ trong quá trình làm việc.
Theo bà Lò Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa: Được hình thành từ việc sáp nhập 5 xã, Thanh Nưa là một trong những xã có quy mô dân số tương đối lớn so với các xã, phường khác trong tỉnh (29.397 người, diện tích tự nhiên 176,97km²). Xã đã bố trí tăng cường cán bộ, nhân viên nhằm hướng dẫn người dân thủ tục tiếp nhận và kê khai số hóa. Đối với các thủ tục liên quan đến thuế, xã sẽ xem xét, kiểm tra hệ thống liên kết thuế để sớm phục vụ nhu cầu hành chính của người dân. Theo số liệu thống kê từ đầu tháng 7 đến ngày 24/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã tiếp nhận 498 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tiếp 336; trực tuyến 111 hồ sơ và hơn 1.000 hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính.
Khi được đặt câu hỏi, liệu khối lượng công việc như hiện nay có quá tải với đội ngũ cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công? Trả lời vấn đề này, bà Vân cho rằng, vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, cán bộ, công chức sẽ đối diện với khối lượng và áp lực công việc không nhỏ. Trước hết là khối lượng công việc tăng lên khi địa bàn quản lý mở rộng, dân số phục vụ đông hơn nhưng biên chế vẫn giữ nguyên hoặc thu gọn. Cụ thể, một cán bộ phụ trách mảng kinh tế ở cấp xã sau sáp nhập sẽ phải phụ trách gấp đôi hoặc gấp ba số lượng hồ sơ của một xã trước đây, đồng thời phải tiếp cận nhiều hệ thống văn bản và quy hoạch khác nhau giữa các vùng sáp nhập. Điều đó đòi hỏi không chỉ năng lực quản lý liên ngành mà còn cả kỹ năng, linh hoạt trong điều phối nguồn lực phát triển.
Giai đoạn hiện nay được xem là quá trình "tái cấu trúc chính mình" để vươn lên, học hỏi và phát triển bản thân cùng tổ chức, phát huy năng lực cá nhân trong thời kỳ đổi mới. Theo tinh thần "giao việc rõ ràng - đánh giá công bằng - đào tạo tại chỗ", cán bộ không bị bó buộc bởi cấp bậc mà luôn được thử sức ở nhiều nhiệm vụ khác nhau để phát triển toàn diện, trong khi cơ quan có hệ thống đánh giá định kỳ, khách quan, làm căn cứ đề bạt và khen thưởng.
Quang Hùng