Cẩn trọng trước "bão lừa đảo" trên không gian mạng

Thứ Sáu, 23/06/2023, 14:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát bởi loại tội phạm này thường sử dụng các loại phương tiện công nghệ cao, có tổ chức. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những hạn chế trong việc tiếp xúc với thông tin thời sự và công nghệ mới để lừa đảo. Đáng quan ngại, xu thế dịch chuyển của loại tội phạm này từ khu vực thành thị về các vùng nông thôn ngày càng rõ rệt.

Ông Bạc Cầm H., trú tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo - một người chân chất, ít va chạm đã rơi vào một cái bẫy tinh vi, xảo quyệt do các đối tượng dàn dựng công phu. Chúng gọi video call qua Zalo giả danh là cán bộ điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội thông báo với nội dung là thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của ông liên quan đến hoạt động của một đường dây mua bán ma túy. Để phục vụ công tác điều tra, ông H. phải cung cấp cho chúng số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và yêu cầu phải rút hết tiền tiết kiệm tại ngân hàng chuyển vào tài khoản để xác minh. Bọn chúng đe dọa nếu không thực hiện theo thì sẽ thực hiện lệnh bắt ngay.

Sau cuộc điện thoại nhiều tiếng đồng hồ, trước những lời đe dọa của các đối tượng dọa dẫm, quá hoang mang, lo sợ nên vợ ông H. đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm gần 1,1 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, do có chút nghi ngờ nên khi vợ ra ngân hàng rút tiền thì ông H. lại qua cơ quan công an huyện Tuần Giáo trình báo.

Có một thực tế là, hầu hết các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng sử dụng, diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng không ít người dân trên địa bàn vẫn dễ dàng dính bẫy các đối tượng.

1
Chị Bùi Thị N D. - một nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Ngày 22/4/2023, các đối tượng đã nhắn tin qua messenger cho chị Bùi Thị N D. trú tại phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ với nội dung làm cộng tác viên cho Công ty Nimo.tv; chỉ cần xem và bấm like tăng tương tác các trang sẽ được chia hoa hồng. Chị D. đã vào đường link bọn chúng gửi và làm theo hướng dẫn. Sau khi làm theo hướng dẫn, máy báo hiển thị thao tác sai, chị D. được các đối tượng hướng dẫn nộp tiền vào một số tài khoản do bọn chúng cung cấp để được thao tác lại và thành công thì sẽ trả lại toàn bộ số tiền. Do ham muốn kiếm tiền và tiếc số tiền đã nộp vào nên chị D. liên tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng, thao tác lại nhiều lần với mức tiền nộp vào cho mỗi lần thao tác sau lại nhiều hơn lần thao tác trước. Tổng số tiền chị đã chuyển khoản cho bọn chúng lên tới gần 800 triệu đồng.

Tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có hàng chục thủ đoạn khác nhau, trong đó có thể kể đến như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp; giả làm nhân viên ngân hàng cung cấp app để chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng; giả làm doanh nhân nước ngoài gửi quà có giá trị và yêu cầu đóng phí; tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; gọi điện khủng bố đòi nợ… dụ dỗ, lôi kéo người bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử hưởng mức lãi suất cao.

Ngoài ra, các nhóm lừa đảo còn sử dụng phần mềm công nghệ cao giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho người bị hại; giả mạo khuôn mặt, giọng nói để gọi video call… Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Theo thống kê của phòng Cảnh sát hình sự, từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận 84 tin báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó còn rất nhiều nạn nhân do nhiều lý do không tố giác, không hợp tác nên cơ quan điều tra chưa thống kê được.

Để không bị các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, dụ dỗ, cơ quan công an khuyến cáo: Người dân không tin vào những lời hứa hẹn, gửi tiền quà của những đối tượng "lạ" trên mạng xã hội. Không tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo sinh lời khi không có hiểu biết về công nghệ thông tin và mạng internet.

Người dân cần tỉnh táo trước nhưng thủ đoạn dùng thông tin cá nhân để giả danh các cơ quan nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng,… không đặt mua hàng hóa, giao dịch tài sản khi chưa biết thông tin qua mạng xã hội Zalo, Facebook…; không tham gia vào các trò chơi trực tuyến, dự đoán kết quả có thưởng dẫn đến bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, đề nghị người dân nhanh chóng báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.

 

 

CTV Trường Long/DIENBIENTV.VN

 

.