Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh

Thứ Tư, 10/06/2020, 09:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã trả lời các câu hỏi tại phiên họp. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đăng tải nội dung trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.

I. Phần I: VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ

Câu 1:  Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Qua giám sát, các đơn vị địa phương đều có bộ phận một cửa nhưng chưa liên thông. Các doanh nghiệp và nhân dân chưa hài lòng về chất lượng và hiệu quả của cơ chế một cửa liên thông hiện nay. Sở Thông tin và truyền thông có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới.

Trả lời:

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của VPCP hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. VP UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 ban hành nội dung, phương thức chấm điểm đánh giá việc giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Do đó, nhiệm vụ trên thuộc thẩm quyền của Văn phòng UBND và Sở Nội vụ tham mưu thực hiện.

Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai tích hợp Hệ thống một cửa điện tử vào Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên và cung cấp các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã với tổng số trên 2.000 thủ tục hành chính.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện nay, Sở Thông tin đề xuất UBND tỉnh giao chủ trương cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Trung tâm Hành chính công của tỉnh (lựa chọn hình thức Thuê dịch vụ) với mục tiêu:

Tạo sự thống nhất của hệ thống chính trị trong việc cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ hành chính công; tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC, lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm phục vụ (trọng tâm là doanh nghiệp và công dân), bảo đảm sự hài lòng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết TTHC.

Xây dựng một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, tạo bước đột phá mạnh mẽ đối với nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước; tăng cường tính liên thông trong giải quyết các TTHC, đảm bảo các thủ tục được giải quyết nhanh, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian; rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm chi phí thực hiện TTHC.

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm tận tâm phục vụ; xác định nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị khi giải quyết TTHC.

Hoạt động của Trung tâm theo cơ chế “Tiếp nhận, phối hợp giải quyết và trả kết quả các thủ tục hành chính” góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, hiệu quả hoạt động của các cơ quan QLNN trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Câu 2: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên đã được mở từ năm 2019, đã góp phần cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay nhiều Doanh nghiệp và người dân chưa biết địa chỉ này, chưa biết sử dụng, cho nên tỷ lệ sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Công dịch vụ công tỉnh còn thấp. Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, cần phải làm như thế nào để Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh thực sự phát huy hiệu quả.

Trả lời:

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên đã được khai trương và triển khai vận hành chính thức từ ngày 18/9/2019. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã với tổng số trên 2.000 thủ tục hành chính, trong đó: 254 thủ tục hành chính mức độ 3; 95 thủ tục hành chính mức độ 4.

Qua đó nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tăng gần 3 lần (từ 119 thủ tục năm 2018 lên 254 thủ tục năm 2019), mức độ 4 tăng trên 10 lần (9 thủ tục lên 95). Ngày 15/5/2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2020 cung cấp trên Cổng DVCTT trên 400 DVCTT mức độ 3, 4.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh: 19.568 hồ sơ (Từ 01/01/2020 đến 31/5/2020). Tổng số hồ sơ đã được xử lý: 17.025 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt: 80.06% hồ sơ. Đối với cấp tỉnh: 15/18 sở, ban, ngành tỉnh phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Cấp huyện: 10/10 huyện, thị xã, thành phố phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Cấp xã: 105/129 xã, phường, thị trấn phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Sở TTTT đã chủ động tích cực đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, CBCC biết để sử dụng, cụ thể: Các tin, bài, phóng sự hằng tuần trên Đài, báo, các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trên 20 Các cổng/trang TTĐT sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sản xuất 160 Pa nô treo tại bộ phận một cửa các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; phát hành 9.000 tờ rơi, tờ gấp trên địa bàn; gửi 500.000 tin nhắn viễn thông; thiết lập kênh Zalo với trên 5.000 tài khoản Zalo quan tâm đến Cổng dịch vụ công trực tuyến. Do đó, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh đều biết đến và sử dụng, cụ thể hiện tại đã có 377 tài khoản là người dân, 34 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký và sử dụng.

Trong năm 2019, đã tổ chức 11 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung, phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và sự thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức truy cập, nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thay thế cho cách thức thực hiện TTHC công truyền thống; Thực hiện phối hợp với trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Gắn trách nhiệm với nhiệm vụ người đứng đầu, lãnh đạo; Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện gửi và trả kết quả thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Tổ chức đào tạo lại, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp cũng như đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC các cấp.

Tăng cường công tác kiểm tra của UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 thông qua dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông.
Ban hành quy chế vận hành, sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến và là quy chế bắt buộc các cơ quan, đơn vị phải thực hiện.

Còn nữa...

BT/DIENBIENTV.VN

.