Tiếng pí bản Na Ten

Thứ Ba, 22/08/2023, 16:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Pí là loại nhạc cụ dân gian độc đáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Âm thanh giản dị, ngân nga của pí giúp nói lên tình cảm, tâm hồn con người, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo và thể hiện niềm lạc quan cùng những triết lý sống sâu sắc của con người. Nhịp sống hiện đại hôm nay, để tiếng Pí luôn được lưu giữ cho những thế hệ sau, nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Hom ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên vẫn miệt mài chế tác và thổi pí mỗi ngày.

Dẫu ngày nắng hay mưa, ngày bận rộn hay nhàn rỗi, ông Quàng Văn Hom vẫn luôn dành cho mình một khoảng thời gian trong ngày để bên những cây pí. Đó có thể là ngồi chế tác ra những cây pí. Và cũng có thể là thổi lên những giai điệu ngân nga. Gần 80 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” cột hơi có thể chẳng còn dài như ngày trẻ nhưng ông vẫn đam mê thổi pí. Tiếng Pí đưa ông về thời trai trẻ đêm đêm mang pí thổi tìm bạn đời. Tiếng Pí cũng làm ông nhớ lại những hội xuân nơi bản Thái. Tiếng Pí có cả khi vui đến khi buồn trong cuộc đời gần 80 năm qua. Tiếng Pí đã ngấm vào tâm hồn, máu thịt, nuôi dưỡng thành tình yêu lớn của ông với nhạc cụ của dân tộc.

1
Nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Hom chế tác pí.

Ngoài thổi pí, ông Hom còn biết chế tác pí. Vừa biết thổi, vừa thành thục chế tác như ông Hom có lẽ không có nhiều trong cộng đồng người Thái ở Mường Thanh. Để làm được pí trước tiên phải có những ống nứa già nhưng đường kính lại không được quá to. Bởi vậy mà có khi tìm qua nhiều khóm nứa người ta mới chọn được 1 cây ưng ý để về làm pí. Cây nứa mang về sẽ phải để khô tự nhiên 2 đến 3 tháng mới đủ điều kiện để làm pí. Làm pí phải trải qua nhiều công đoạn như: đo độ dài và phân chia các vị trí tạo âm nốt; dùi các nốt âm thanh trên thân pí; đặt lưỡi lam đồng và điều chỉnh lam đồng. Trong những bước làm pí việc đặt lưỡi lam đồng, gọt mài điều chỉnh lam đồng là quan trọng nhất. Đôi khi người chế tác còn phải nín thở để gọt lam đồng có như vậy mới thật chính xác.

Trong cộng đồng người Thái đen Điện Biên thường dùng những loại pí phổ biến như: pí lao nọi, pí tăm lay, pí pặp, pí lao luông, pí pêu. Có loại pí dùng thể hiện tâm tình, có loại pí dùng trong lao động, lại có loại pí dùng thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Say mê các điệu pí dân tộc, từ khi còn trẻ ông Quàng Văn Hom đã học thổi và chế tác các loại pí phổ biến trong vùng và cả các loại sáo, pí của các vùng lân cận, như pí đôi của người Thái trắng, sáo Mông của đồng bào Mông vùng cao. Theo ông mỗi loại pí có âm điệu khác nhau, dùng thể hiện những tình cảm, những câu chuyện khác nhau nên hoàn cảnh sử dụng từng loại pí cũng khác nhau.

1
Ông Quàng Văn Hom tham gia Đội văn nghệ bản, các câu lạc bộ văn hóa Thái.

Sinh ra và lớn lên trong lòng chảo Mường Thanh - nơi quần cư của đa số đồng bào dân tộc Thái, nhiều nét văn hóa Thái đã sớm được ông Hom theo học và giữ gìn. Trong đó, ông đặc biệt yêu thích học thổi pí, chế tác pí và học chữ Thái. Hơn 50 năm cần mẫn giữ tiếng pí, chế tác ra hàng trăm cây pí và dạy cho nhiều lớp thế hệ học trò, nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Hom là một trong số những người tiêu biểu trong cộng đồng cần mẫn giữ gìn văn hóa dân tộc Thái. Với những đóng góp của mình, từ năm 2018, ông đã được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Hiện nay, ông cũng tham gia vào Đội văn nghệ bản, các câu lạc bộ văn hóa Thái để tiếp tục chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc.

Nhịp sống hiện đại hôm nay người người cũng mải miết mưu sinh, lao động, học tập. Có lẽ vì vậy mà phần nhiều những người con dân tộc Thái Điện Biên đã thiếu mặn mà với cây pí. Mặt khác, ngày nay nhu cầu giao lưu, giải trí, thưởng thức âm nhạc của lớp trẻ được thỏa mãn bởi sự phát triển của nhiều loại hình thông tin giải trí khác nhau nên lớp thanh niên bản Thái ít người còn biết sử dụng cây pí cổ truyền. Để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc không bị mai một, những nghệ nhân dân gian yêu cây pí như ông Quàng Văn Hom vẫn mải miết chế tác, thổi pí và đi tìm người để truyền dạy. Qua đó, góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Thái Mường Thanh - nơi được coi là cội nguồn của dân tộc Thái.

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.