Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ Hai, 27/11/2023, 16:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên có hệ thống di sản văn hóa khá phong phú với nhiều loại hình, bản sắc văn hóa truyền thống riêng của đồng bào 19 dân tộc cùng sinh sống. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, tiềm năng, lợi thế để phát triển văn hóa và du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đóng góp vào công tác giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống đó, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã và đang khai thác lợi thế này để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

DF
Một góc của bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Mới đi vào hoạt động gần 1 năm, đến nay, bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã được đông đảo du khách biết đến. Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, bản Nà Sự có lợi thế phát triển kinh tế - xã hội hơn nhiều địa phương trong xã, huyện. Đặc biệt, bà con nơi đây còn giữ gìn được nhiều nét đặc trưng, văn hóa truyền thống của người Thái như nếp nhà sàn, ẩm thực, trang phục, tập quán sinh hoạt, những bản sắc cộng đồng: Dân ca, dân vũ, đời sống tâm linh.

Trong bản có 5 gia đình có nhà cửa sạch đẹp được chọn làm điểm lưu trú mẫu, với phương thức homestay để khách du lịch trải nghiệm không gian sống của đồng bào dân tộc Thái. Trong bản đã thành lập đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức tập luyện và biểu diễn các chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc để phục vụ khách du lịch. Tại điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái: Tham gia chế biến món ăn, tham quan cảnh đẹp quanh bản; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản.

Ngoài Nậm Pồ, nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên cũng đang tập trung đánh thức tiềm năng du lịch mang đậm bản sắc văn hóa vốn có của mình. Đơn cử như huyện Tủa Chùa, với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, chợ phiên, hội xuân, các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và một số di tích, hang động. Huyện Tủa Chùa đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước.

Tủa Chùa có 7 dân tộc sinh sống gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá. Trong đó, dân tộc Mông chiếm hơn 70%, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mông. Đặc trưng hấp dẫn du khách là trải nghiệm chợ phiên vùng cao tại 2 xã: Tả Sìn Thàng, Xá Nhè và chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần tại thị trấn Tủa Chùa. Nơi đây, hội tụ đủ màu sắc của các dân tộc trên địa bàn, là nơi mua bán, trao đổi những đặc sản địa phương như: Lợn cắp nách, rượu Mông pê, gà xương đen, cá sông Đà, chè cổ thụ và các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: “Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 32 về phát triển du lịch huyện Tủa Chùa năm 2018-2025, trên cơ sở nghị quyết thì huyện đã ban hành, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Đặc sắc của huyện Tủa Chùa là có các lễ hội, hội xuân, những nét văn hóa bản sắc của dân tộc được lưu giữ lại. Huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin, UBND các xã, thị trấn rà soát kiểm đếm để đề nghị công nhận các di tích, nghề truyền thống, rà soát các nghệ nhân để tiếp tục đề nghị công nhận cũng như truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm mục đích là bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc.”

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị xã Mường Lay đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vốn có để phát triển du lịch; gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lay như: Điệu xòe Thái cổ, điệu múa cổ cũng như trang phục truyền thống của người dân tộc Thái. Với vẻ đẹp sông nước được ví như “viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc cùng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng, thị xã Mường Lay vẫn đang kết hợp công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa với việc phát triển du lịch. Trong đó, các tour du lịch ở Mường Lay chủ yếu đưa khách tham quan lòng hồ thủy điện, các di tích lịch sử như: Dinh thự Đèo Văn Long, di tích Pú Vạp, hệ thống nhà sàn mái đá đặc trưng, đồng thời trải nghiệm du lịch cộng đồng, thưởng thức các điệu xòe, điệu múa cũng như ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

“Các nếp nhà sàn của dân tộc Thái thuộc ngành Thái trắng thị xã Mường Lay vẫn giữ nguyên được nếp nhà sàn ngày xưa của dân tộc Thái và nhà sàn được lợp bằng đá đen. Cho đến hiện tại, các ngôi nhà sàn ở thị xã Mường Lay vẫn giữ nguyên nét đẹp để phát huy được giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của ngành Thái trắng. Phòng Văn hóa - Thông tin đã tích cực tham mưu cho UBND thị xã vận động bà con nhân dân, sau khi tái định cư Thủy điện Sơn La thì các bản cũng được quy hoạch, phân vùng, phân khu xây dựng các nếp nhà sàn thành khu riêng; vận động bà con nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy giá trị văn hóa của thị xã Mường Lay để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã.” - ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay cho biết.

Tỉnh Điện Biên với cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau, đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để Ðiện Biên phát triển du lịch văn hóa. Trong đó, nổi bật là các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái - dân tộc chiếm số đông của Điện Biên với sự tích hoa ban, câu chuyện tình yêu của nàng Ban, chàng Khum được xây dựng trở thành hồn cốt của cả mùa lễ hội; hay tục giã bánh giầy truyền thống, điệu múa khèn của người Mông; các điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú; các nghi lễ, trò chơi dân gian của dân tộc Lào.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống... Ngoài ra, còn có 5 homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc, mở ra hướng phát triển mới cho người dân từ du lịch cộng đồng.

DF
Điện Biên với cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau, đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để Ðiện Biên phát triển du lịch văn hóa.

Ngoài các bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thời gian gần đây, ngành Văn hóa Du lịch tỉnh đã nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc khác như: Múa khèn của dân tộc Mông; Tết Hồ Sự Chà - Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; Tết Té nước của dân tộc Lào… vào chuỗi du lịch văn hóa của địa phương, nhằm mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn với du khách và từng bước đưa du lịch văn hóa - lịch sử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tỉnh đã có nghị quyết và đề án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Bảo tồn phát huy giá trị những di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh như: Xòe Thái, Then Tày - Nùng - Thái. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những giá trị này gắn với du lịch cộng đồng, để làm sao cho du khách thấy được những nét đẹp văn hóa của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên cho biết: “Ngành Văn hóa xác định, muốn phát triển du lịch bền vững thì phải phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó, khách du lịch đến với Điện Biên nói riêng, Tây bắc nói chung thì đều muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, từ việc sinh hoạt hằng ngày, thưởng thức ẩm thực; đặc biệt là các làn điệu dân ca, dân vũ. Chính vì vậy, tại những địa phương, các bản văn hóa đã quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.”  

Với nền tảng đa dạng, phong phú và độc đáo, việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tốt sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với tham quan, trải nghiệm các khu, điểm di tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc hòa mình vào không gian văn hoá độc đáo của các dân tộc chắc chắn sẽ mang đến những ấn tượng độc đáo, khó quên với mỗi du khách khi có dịp đến với vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng.

 

 

Tuấn Trung - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN
 

.