Tiếng gọi cao nguyên đá

Thứ Hai, 06/11/2023, 11:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tủa Chùa là huyện vùng cao cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130km về phía Đông Bắc. Nơi đây có những cao nguyên đá trải dài; những chợ phiên rực rỡ sắc màu hay rừng chè cổ thụ Shan Tuyết; rừng thông Trung Thu; lòng hồ sông Đà sơn thủy hữu tình; hệ thống hang động kỳ vĩ cùng bản sắc văn hóa đậm đà của 7 dân tộc cùng sinh sống, đã đem lại cho vùng đất Tủa Chùa vẻ đẹp riêng có.

Từ huyện Tuần Giáo theo Quốc lộ 6, rẽ vào tỉnh lộ 140 khoảng 20 km là đến huyện Tủa Chùa. Cung đường như dải lụa vắt theo triền núi, ôm lấy những thôn, bản dẫn đến trung tâm huyện lỵ Tủa Chùa.

Thị trấn miền non cao cuối thu chìm trong sương sớm vội bừng tỉnh bởi người dân khắp các nẻo thôn bản đổ về. Hôm nay là Chủ nhật - ngày diễn ra phiên chợ tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Bà con vui họp chợ từ sớm, tờ mờ sáng đã xuống đến chợ huyện. Có người đã dậy từ 3, 4 giờ sáng để xuống chợ.
Sức hút của chợ phiên là gì để tuổi ông, tuổi bà, để các mẹ, các chị, những đôi nam thanh nữ tú xuống chợ sớm như vậy? Có lẽ với đồng bào vùng cao Tủa Chùa, xuống chợ phiên không chỉ đơn giản là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản mà còn là nơi có niềm vui, tiếng cười sau cả tuần lao động sản xuất.

1
Những cô gái người Mông gùi lu cở xuống chợ huyện lúc sáng sớm.

Chợ phiên trung tâm thị trấn Tủa Chùa chẳng ai nhớ rõ bắt đầu họp từ khi nào. Có lẽ là từ khoảng những năm đầu huyện Tủa Chùa đặt trụ sở huyện lỵ ở nơi này, nếu tính như vậy thì cũng đã hơn 30 năm. Theo năm tháng, chợ phiên thị trấn Tủa Chùa ngày càng được quan tâm, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhưng sắc màu làm nên chợ thì vẫn đậm nét truyền thống.

Bao nhiêu năm qua rồi vẫn vậy, bà con luôn mang theo những nông sản họ làm ra đến chợ để trao đổi. Người mang theo mấy quả bí ngô, một ôm cải nương. Có người mang theo heo con vừa tách mẹ, một đôi gà thả đồi. Người mang lu cở đồ rèn, mang khèn đến chợ. Tất cả đều để bán có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Bán được nhiều bà con vui nhiều. Bán được ít vẫn vui nhiều, bởi bà con xuống chợ còn để hàn huyên, tâm sự, gặp gỡ người quen.

Nét mộc mạc của chợ phiên Tủa Chùa đến từ vẻ đẹp chân chất của bà con. Ngoài chợ phiên thị trấn, Tủa Chùa còn có 2 phiên chợ nữa là chợ phiên Tả Sìn Thàng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ và chợ phiên Xá Nhè họp vào ngày Mão và ngày Dậu. Đến với chợ du khách không chỉ mua được sản vật ngon, sạch mà còn được trải nghiệm không gian chợ đa dạng sắc màu văn hóa trong sự chân tình, mến khách của con người nơi đây.

1
Một góc chợ phiên thị trấn Tủa Chùa.

Rời chợ phiên thị trấn, theo những ngả đường là nhiều bản làng của người Thái, người Mông, người Hoa, người Dao. Ở Tủa Chùa có 7 dân tộc sinh sống, trong đó có khoảng 70% là người Mông. Người Mông đã sinh sống bao đời nay trên mảnh đất này. Họ sống và canh tác trên những dãy núi cao, những triền đá rộng. Bao đời bám núi, bám đá nơi cao nguyên, người Mông Tủa Chùa vượt qua sự khắc nghiệt của vùng đất khó mà vươn lên phát triển kinh tế. Cây ngô vẫn tốt tươi vươn lên từ những khe đá tai mèo. Những ruộng bậc thang vàng óng ả theo triền đồi. Những cây chè shan tuyết cổ thụ trở thành sản phẩm OCOP vươn ra thị trường mang về thêm thu nhập.

Ở mỗi thời điểm trong năm, Tủa Chùa có vẻ đẹp riêng, nhưng đẹp nhất vẫn là từ tháng 9 dương lịch năm trước tới tháng 5 dương lịch năm sau. Đây là khoảng thời gian du khách đến với nơi đây để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành; được thả tầm mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vào vụ lúa chín với nhiều gam màu tuyệt đẹp.

Tủa Chùa cũng hấp dẫn du khách bởi hệ thống hang động nguyên sơ. Nơi đây có 4 hang động đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia gồm: hang Khó Chua La, hang Xá Nhè, Thẩm Khến, hang động Pê Răng Ky. 1 hang động được công nhận danh lam thắng cảnh cấp tỉnh là hang Hấu Chua.
Bên cạnh đó Tủa Chùa còn rất nhiều các danh thắng thu hút du khách đến tham quan khám phá và trải nghiệm như: công trình kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng; cao nguyên đá Tả Phìn; vùng lòng hồ sông Đà; lòng hồ thủy điện Trung Thu. Cùng với đó là nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số tất cả đã tạo nên một Tủa Chùa với vẻ đẹp riêng có.

1
Những bản làng nằm nép mình dưới những ngọn núi lô nhô tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Tủa Chùa không chỉ đẹp bởi thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ mà còn níu chân du khách bởi văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo. Văn hóa ẩm thực Tủa Chùa được tổng hòa bởi những món ăn ngon của 7 dân tộc trên địa bàn.

Những món ăn ở Tủa Chùa được nấu từ thực phẩm tươi ngon sẵn có của địa phương và bàn tay khéo léo của con người nơi đây. Gà xương đen chắc thịt thơm ngon; mèn mén là cơm ngô của người Mông chan cùng canh đậu non của người Hoa; thịt lợn treo gác bếp ngậy thơm vị khói hòa cùng cải trên nương đắng lại giòn ngọt; dưa khô chua dịu nấu canh cá, canh lòng gà; độc đáo thịt dơi băm nhỏ nấu canh của người Dao Quần Chẹt xã Huổi Só; ngậy bùi canh đậu đỏ hầm chân giò; canh óc đậu thanh mát; đậu ba góc nhồi thịt của người Hoa Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng; những món xôi rực rỡ sắc màu; trâu xé; lạp sườn; gỏi cá - hương vị món ăn của người Thái ở Mường Báng, Mường Đun, thị trấn Tủa Chùa.

Du khách có thể đến từng nhà dân, bên bếp lửa bập cùng gia đình dùng bữa cơm tối với nhiều món ăn ngon. Và thêm một sự lựa chọn cho du khách đó là đến chợ đêm tại thị trấn vào mỗi thứ 7 hằng tuần để thưởng thức ẩm thực độc đáo nhất của rẻo cao Tủa Chùa.

1
Mùa lúa chín ở Tủa Chùa.

Trong những giải pháp triển du lịch, địa phương này đã xây dựng Chợ đêm Tủa Chùa. Ở đây có những tiết mục văn nghệ đặc sắc; những món ăn ngon; những ly rượu nồng trong sự hiếu khách của người vùng cao.

Tả Chải là tên gọi nguyên gốc theo tiếng Quan Hoả, có nghĩa là “Làng lớn” hay “Bản To”, theo thời gian và phiên âm theo tiếng Việt thì thành Tủa Chùa như ngày nay. Đến với Tủa Chùa dịp cuối tuần du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ đêm vào tối thứ Bảy; đắm mình vào sắc màu vùng cao trong chợ phiên lớn nhất ở thị trấn vào sáng Chủ Nhật. Có nhiều thời gian lưu lại Tủa Chùa, du khách hãy đến với cao nguyên đá Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, các hang động để nghe câu chuyện của đá và thấy sự kỳ diệu trên đá.

Vào mỗi độ Xuân về, Tủa Chùa trắng hoa lê, hoa mận, hoa ban, hồng phai hoa đào rừng và các nét văn hóa đặc sắc ở nhiều hội xuân diễn ra khắp địa bàn. Những ruộng bậc thang vàng óng theo những triền đồi khi Thu sang. Mùa Đông Tủa Chùa huyền ảo, bồng bềnh mây núi. Mùa nào Tủa Chùa cũng đẹp. Thời điểm nào vùng cao nguyên đá Tủa Chùa cũng mời gọi du khách ghé thăm./.  

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.