Cúng ông Công, ông Táo - Nét đẹp văn hóa người Việt

Thứ Sáu, 02/02/2024, 16:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Lễ cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp là ngày mỗi gia đình Việt Nam báo cáo những việc đã và chưa làm được trong năm cũ và gửi gắm ước nguyện vào năm mới. Đây là một ngày lễ quan trọng, một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình bà Phạm Thị Bằng, trú tại tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ lại chuẩn bị chu đáo lễ cúng ông Công, ông Táo.

Theo bà Bằng: Quan niệm của người Việt từ xưa, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Đây đều là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia chủ. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên cứ đến ngày này, gia đình bà lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng và thành tâm.

1
Tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt.

Với mong muốn sửa soạn mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời được chu đáo, ngay từ chiều ngày 22 âm lịch và sáng sớm ngày 23, người dân đã tất bật mua sắm những đồ lễ theo truyền thống như: hoa quả theo mùa, xôi, thịt, bánh kẹo…

Một trong những vật quan trọng nhất trong lễ cúng ông Công, ông Táo là cá chép. Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Vì vậy, cá chép được nhiều tiểu thương chuẩn bị từ trước  2 - 3 ngày để phục vụ người dân.

1
Cá chép là vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bởi theo quan niệm dân gian, thì đây chính là "phương tiện" đưa ông Công, ông Táo về trời.

Không ai rõ tục lệ này có từ khi nào, chỉ biết rằng đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến nay, trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình cần ý thức được mục đích, ý nghĩa của nghi thức, thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng... Việc thả cá cũng phải quan tâm đến bảo vệ môi trường sạch đẹp, đó mới là cách  phát huy bảo tồn nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc./.

 

 

Thu Nga - Chí Công/DIENBIENTV.VN

 

.