Lễ gội đầu cuối năm của phụ nữ Thái đen Điện Biên

Thứ Sáu, 09/02/2024, 13:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau khi hoàn tất công việc cuối năm, cứ đến ngày 30 Tết, những người phụ nữ dân tộc Thái đen Điện Biên lại kéo nhau ra suối để gội đầu cuối năm, với hy vọng xua đi những điều không may mắn của năm cũ và cầu mong nhiều điều tốt đẹp hơn trong năm mới.

C
Bà Lò Thị Liên, bản Na Vai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên chuẩn bị nước vo gạo gội đầu ngày 30 Tết.

Những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái đen gọi là tẳng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và trâm bạc cài cố định tóc. Chiếc trâm bạc đó vừa là vật trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ Thái đen trong quan hệ xã hội. Mái tóc thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. 

Gắn liền với suối tóc óng mượt ấy, người phụ nữ Thái đen còn duy trì cho đến hôm nay một nghi lễ rất thiêng liêng và giàu bản sắc dân tộc, được gọi là lễ gội đầu cuối năm. Để có được nước gội đầu, trước đó hàng tuần, các gia đình đã vo gạo nếp lấy nước đổ vào xô hoặc chậu cất giữ càng lâu càng tốt để ủ cho chua, sau đó gạn lấy nước đậm đặc gội đầu.

Bà Lò Thị Liên, bản Na Vai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên cho biết: “Để có nước gội đầu thì người Thái chúng tôi ngâm gạo nếp qua đêm, sáng hôm sau mới vo gạo gạn lấy nước, sau đó nước vo gạo để 2 đến 3 ngày cho chua mới gạn lấy nước đậm đặc để gội đầu. Khi năm hết Tết đến, nước vo gạo để gội đầu là thứ không thể thiếu được.

x
Phụ nữ Thái đen gội đầu ngày 30 Tết.

Sau khi gói xong những chiếc bánh chưng gù của người Thái, chị em lại cùng nhau ra suối để làm lễ gội đầu cuối năm. Vừa tưới nước vo gạo lên tóc vừa nói “Năm hết Tết đến, tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ở lại, cái xấu cái cũ hãy đi xa mãi theo dòng chảy, cầu mong cho năm mới làm ăn phát đạt, mọi người trong gia đình mạnh khỏe và thêm nhiều may mắn”. Sau lời khấn những suối tóc mềm mại từ từ được buông xuống dòng suối, tạo nên vẻ đẹp huyền thoại của người con gái Thái xưa nay vẫn được nhắc nhiều trong các áng văn thơ “Hoa ban trắng nở thành cô gái Thái, áng mây bay trong thau nước gội đầu”... Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây đã không còn là nỗi bận lòng, nó sẽ được trôi đi theo dòng nước, để lại những điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào một năm mới thật nhiều may mắn.

Chị Quàng Thị Thương, bản Na Vai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên chia sẻ: “Lễ gội đầu này đã có từ lâu lắm rồi, cho đến hôm nay chúng tôi vẫn duy trì nó, cứ đến 30 Tết phụ nữ chúng tôi cùng nhau ra suối làm lễ gội đầu để rửa trôi cái cũ, cái không tốt và cầu cho năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.”

Lễ gội đầu cuối năm của người phụ nữ Thái đen Điện Biên có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng tin của con người đối với các đấng tâm linh, cầu mong và hy vọng những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến trong năm mới, mong muốn cho bản thân và mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cũng vì lẽ đó mà nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái Điện Biên gìn giữ, khơi dậy cho đến hôm nay và được thể hiện khi Tết đến xuân về.

 

 

Anh Dũng - Minh Tuân/DIENBIENTV.VN

 

.