Sắc xuân trên rẻo cao

Thứ Ba, 06/02/2024, 05:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khi những bông hoa dã quỳ cuối cùng đang dần úa tàn để nhường chỗ cho hoa đào, hoa mận khoe sắc cũng là khi bản làng vùng cao Tây Bắc đang rộn ràng bước vào Xuân. Đến bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà trong những ngày giáp Tết, ngắm nhìn hoa đào bung nở trên khắp núi đồi, bản làng, sắc Xuân rực rỡ, tươi vui lan tỏa khắp nơi. Người dân đã tạm gác lại những bộn bề khó khăn của cuộc sống để tận hưởng không khí mùa Xuân đang về.

Trong tiết trời giá rét, những người phụ nữ dân tộc Mông quây quần trước hiên nhà, tất bật với những đường chỉ cuối cùng để hoàn thành bộ váy áo mới cho cả gia đình mặc trong những ngày đón Tết, du Xuân. Những chiếc váy, áo thổ cẩm với những họa tiết đặc sắc, tinh xảo mang nét đặc trưng cho văn hóa của người Mông Hoa ở Sa Lông. Phụ nữ Mông ở đây hầu như đều tự may trang phục cho mình và người thân.

“Phụ nữ dân tộc Mông ở Chiêu Ly thường tranh thủ những lúc nông nhàn để may trang phục. Đặc biệt khoảng thời gian khi mùa đông bắt đầu, hầu hết phụ nữ đều tập trung may trang phục cho các thành viên trong gia đình để kịp mặc trong những ngày Tết, đi du xuân cùng bà con các bản.” -  bà Mùa Thị Đớ, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, nói.

1
Những người phụ nữ Mông Hoa bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà may áo mới trước hiên nhà.

Trong nhà của người Mông ở Chiêu Ly, hầu như gia đình nào cũng có thịt treo gác bếp. Đó là nguồn thực phẩm được người dân dành dụm để ăn trong những ngày Tết, một món ăn đặc sản không thể thiếu của bà con vùng cao Tây Bắc mỗi dịp Tết.

“Ăn Tết thì vui rồi! chuẩn bị gạo nếp và  có gà, có lợn để mổ ăn Tết. Mồng 1 anh em nghỉ, đến mồng 2 đi chơi Tết, đi ném còn, đánh cù này, kéo co này, rất hay. So với trước thì bây giờ hơn trước, đường bê tông cũng có đầy đủ rồi, đường điện có rồi, rất hay và rất thích.” - ông Hồ Sáy Vàng, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, hồ hởi chia sẻ.

Bản Chiêu Ly hiện có gần 80 hộ với hơn 400 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông Hoa, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song ý thức phát triển kinh tế của người dân đã được nâng cao. Ngoài nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa nương, nhiều hộ dân trong bản đã biết trồng rau xen lẫn giữa nương đá, nuôi gà, nuôi lợn và trâu bò phát triển kinh tế.

1
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Tết vẫn luôn là điều đáng mong chờ nhất, đặc biệt với những đứa trẻ.

Ông Hồ A Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà, cho biết: “Để đảm bảo trước, trong và sau Tết, xã cũng đã căn cứ một số tình hình thực tế, rà soát lại những hộ có điều kiện ăn Tết, trên cơ sở chủ trương chính sách từ cấp trên, chúng tôi đã hỗ trợ cho những hộ không có điều kiện ăn Tết được đón Tết vui vẻ”.

Một mùa Xuân mới đã về, đối với người dân vùng cao Điện Biên, ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song cứ đến dịp Tết, bà con tạm gác lại công việc đồng áng, hân hoan cùng nhau đón một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn với nhiều ước mong, kỳ vọng cho năm mới thuận hòa./.

 

 

Đào Phương - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN

 

.