Ngăn chặn bệnh dại từ quản lý vật nuôi trong gia đình

Thứ Ba, 17/09/2019, 06:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là "thú cưng" đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành ‘thú dữ", gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Theo thống kê thì có đến 99% phơi nhiễm trên người do chó nghi dại cắn; 1% do mèo; các loại động vật khác hoặc do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào. Chính vì vậy Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc xong luôn tiềm ẩn những nguy hiểm đến người nuôi và cộng đồng dân cư

1
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hơn 48 ngàn hộ nuôi chó với tổng đàn chó là gần 74 ngàn con, đại đa số các hộ đều nuôi thả rông

Theo báo cáo của Chi Cục thú y tỉnh Điện Biên, từ năm 2010 đến nay, số lượng đàn chó nuôi phát triển tăng dần qua các năm. Năm 2019 tỉnh Điện Biên có hơn 48 ngàn hộ nuôi chó với tổng đàn chó là gần 74 ngàn con, trung bình mỗi hộ nuôi chó nuôi từ 1 đến 2 con chó.

Chó nuôi chủ yếu có nguồn gốc từ địa phương, chó được nuôi nhiều ở vùng nông thôn, khu vực vùng núi. Một số ít được nhập nuôi làm cảnh tập trung ở thị xã, thị trấn và khu vực thành phố và phần lớn chó nuôi thả rông, việc quản lý đàn chó gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 45 ca tử vong do dại.Nguyên nhân các trường hợp tử vong đều do chó thả rông hoặc chó nhà nuôi cắn trước đó 2-4 tháng nhưng không đến cơ quan y tế để điều trị dự phòng.

Năm 2011 có số người tử vong do bệnh dại cao nhất là 17 người, sau đó giảm dần, mỗi năm trung bình từ 5 đến 6 người tử vong, trong 3 năm (2017-2019) có 6 người tử vong do bệnh dại. Trong 8 tháng năm 2019 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 1 hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Nậm Pồ do giết mổ chó mắc bệnh.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố lập sổ quản lý đàn chó, yêu cầu các hộ nuôi chó phải thực hiện đăng ký nuôi chó với UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định (có sổ đăng ký nuôi chó); đồng thời phải thực hiện xích, nhốt hoặc giữ chó trong chuồng, cũi, khi đưa chó ra ngoài phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt...

Tuy nhiên việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, chưa áp dụng các chế tài xử phạt nên công tác quản lý đàn chó chưa thực hiện được. Việc thống kê đàn chó chỉ thực hiện khi triển khai tiêm phòng

1
Công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó,mèo nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện theo cơ chế dịch vụ (chủ nuôi chó chi trả 100% chi phí khi tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi)

Công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó,mèo nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện theo cơ chế dịch vụ (chủ nuôi chó chi trả 100% chi phí khi tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi) do vậy tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt tỷ lệ thấp dưới 50% tổng đàn không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 80% tổng đàn. Nguyên nhân chủ yếu người dân chưa quan tâm việc tiêm phòng dại cho vật nuôi và viện lý do không có tiền chi trả khi tiêm.

8 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó đạt tỷ lệ thấp (45,3% tổng đàn). Số lượng chó được tiêm phòng tập trung chủ yếu tại khu vực tập trung dân cư, nơi người dân có điều kiện kinh tế xã hội cao như thành phố Điện Biên Phủ, khu vực lòng chảo huyện Điện Biên; trung tâm các xã, thị trấn, trung tâm các huyện, thị xã.

Năm 2019 đã có bước chuyển biến rõ rệt, đã hạn chế được số người tử vong do bệnh dại. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt trong công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại bùng phát trong thời gian tới là rất cao do tình trạng nuôi chó thả rông còn rất phổ biến đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, mặt khác vi rút dại có thời gian ủ bệnh dài trung bình từ 2-3 tháng hoặc vài năm do đó thời gian phát hiện ổ dịch bệnh dại trên người và trên động vật cách xa nhau.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho cho đàn chó, mèo hàng năm đạt tỷ lệ rất thấp dưới 50% do hiện nay trên địa bàn tỉnh tiên phòng vắc xin Dại cho chó mèo nuôi theo cơ chế dịch vụ, nhiều người nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa không tiêm phòng cho chó, mèo nuôi với lý do không có tiền chi trả.

Chính vì vậy việc tăng cường công tác tuyên đến đến người dân hiểu đúng về nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh dại mà nguồn lây bệnh chính từ những động vật "thú cưng" nuôi trong gia đình mình là hết sức cần thiết, từ đó người dân biết về cách phòng tránh bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, cho bản thân, gia đình và cộng đồng, để không còn những cái chết thương tâm vì bệnh dại

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.