Những người làm nên lịch sử

Thứ Sáu, 21/02/2014, 17:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên lịch sử, như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa của thế kỷ 20, đó là chiến thắng của toàn dân, đã được cả thế giới biết đến với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 60 năm, những ký ức hào hùng, vô cùng oanh liệt đó như được tái hiện, sống lại qua lời kể của những nhân chứng lịch sử, những người đã đi vào huyền thoại Điện Biên Phủ anh hùng.

Vẫn khoác trên mình chiếc áo lính, những người lính Điện Biên năm xưa nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc, chân đi đã chậm hơn trước, song khi đồng đội được gặp nhau, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng oai hùng ấy như được tái hiện, sống lại như mới ngày nào. Những địa danh thân thuộc như: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... đã đi vào lịch sử, ghi dấu bằng những trận chiến ác liệt, thể hiện ý chí quật cường, gan dạ, anh dũng của quân và dân ta.
   
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Phạm Bá Miều là tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, thuộc Sư đoàn 316, nhớ lại: Mở màn cho chiến dịch, tiểu đoàn của cụ được giao nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa đào hầm xuyên núi từ Tà Lèng xuống Thanh An, Noong Hẹt, đặc biệt là đào hầm để đồng đội đưa gần 1 tấn thuốc nổ vào sát nách địch để tiến lên đánh đồi A1, phá tan cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ năm xưa. Những ngày "Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” như đã tôi luyện cụ và những chiến sỹ Điện Biên một bản lĩnh kiên định, ý chí quật cường, “Gan không núng, chí không mòn”, tiếp thêm sức mạnh phi thường để khối bộc phá ngàn cân cùng các lực lượng tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

v
Những người lính trên trận địa A1 năm xưa.


Trên đồi A1 hôm nay, những chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa như đang sống lại những kỉ niệm, ký ức oai hùng về một thời máu và nước mắt. Chiến dịch đã là máu thịt, trở thành một phần đời của họ.
      
Cuộc đời quân ngũ của cụ Đặng Ích Lẫy đã trải qua nhiều chiến dịch, tham gia nhiều trận đánh khác nhau. Nhưng với cụ, những ngày chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ là quãng thời gian đáng nhớ và oai hùng nhất. Cụ Lẫy chia sẻ: Khi đó chúng tôi không ai còn nghĩ đến sống chết, mà chỉ tập trung vào chiến đấu mong ngày hòa bình.
 
Đối với cụ Miều, cụ Lẫy và cả cụ Tám, mỗi người ở mỗi đơn vị, nhiệm vụ chiến đấu khác nhau song họ đều có chung một chiến tuyến, cùng ý chí, lý tưởng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Thuộc Trung đoàn 176, Sư đoàn 316, cụ Vũ Văn Tám được giao nhiệm vụ xạ thủ bắn tỉa. Cuộc chiến ngày một diễn ra ác liệt, sau nhiều trận ta đánh gây cho địch nhiều thương vong, địch đã tập trung hỏa lực tấn công tiêu diệt bằng cách cho quân đánh phá để lấp hào, ném lựu đạn và dùng tiểu liên bắn xối xả vào quân ta. Song với tinh thần quật cường, quân và dân một lòng quả cảm chiến đấu oai hùng "Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước", đã làm nên chiến thắng Điện Biên vang dội "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
      
Hòa bình, ấm no, hạnh phúc của hôm nay được đánh đổi biết bao mồ hôi, xương, máu và nước mắt của những chiến sỹ năm xưa, những người đã làm nên lịch sử. Dù người còn, người đã mất nhưng những chiến sỹ Điện Biên oai hùng đã đi vào huyền thoại, trường tồn mãi với sông núi Điện Biên, với lịch sử của dân tộc, với non sông, đất nước Việt Nam.                   
 

 

Như Quỳnh - Tiến Dũng

.