Tìm phương pháp cai nghiện cho đối tượng sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy

Thứ Bảy, 01/06/2019, 08:33 [GMT+7]

Tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Xu hướng gia tăng người trẻ sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy, công tác cai nghiện đòi hỏi phải liên tục cập nhật những phương pháp tiên tiến.

1
Nhiều cơ sở cai nghiện phía Nam đang quá tải


Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị, cai nghiện trong tình hình mới” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 31/5 tại Hà Nội.

Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Lập cho biết, trên cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế cho 54.462 người cai nghiện, gồm 6 cơ sở cai nghiện bắt buộc (3 cơ sở ở Hà Nội, 3 cơ sở ở TPHCM); 79 cơ sở cai nghiện đa chức năng; 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện; 2 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Cả nước đang điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện, trong đó có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, 4.563 người cai nghiện tại các cơ sở xã hội, 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở ngoài công lập.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp gây các biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát, giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

“Tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp, trong đó, sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-75% trong tổng số người nghiện ma túy. Đáng lưu ý, ở các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho hay.

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện đang giảm dần. Nguyên nhân cơ bản do người nghiện và gia đình không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ cức cai.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, số người nghiện đang gia tăng. Một số cơ sở cai nghiện ma túy tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ có nguy cơ quá tải, đặc biệt là một số khu tiếp nhận, tổ chức cai nghiệm ma túy cho học viên bắt buộc.

Cập nhật các phương pháp cai nghiện tiên tiến

Với xu hướng gia tăng người trẻ sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy, công tác cai nghiện đòi hỏi phải liên tục cập nhật những phương pháp tiên tiến. Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy tại đia phương như điều trị, cai nghiên chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất. Nghiên cứu thí điểm mô hình “Tòa ma túy”, thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý, mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) cũng đang triển khai mô hình thí điểm “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện” ở Hà Nội và TPHCM.

Bà Nguyễn Hoài Hương, Phó Giám đốc SCDI cho biết, mô hình này có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an với điều phối viên, nhân viên tư vấn và hỗ trợ hồi phục. Mục tiêu của mô hình nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội, cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Hoài Hương, việc thực hiện mô hình này giúp đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và vi phạm pháp luật; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người nghiện ma túy.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình cai nghiện ma túy khép kín.

“Chúng tôi hiểu rằng việc cai nghiện ma túy thành công phần lớn phụ thuộc vào ý chí, sự quyết tâm của học viên. Gia đình đóng góp môt phần không hề nhỏ vào sự thành công của học viên. Vì vậy, trong suốt quá trình trị liệu, luôn có những hoạt động chia sẻ giữa chuyên gia trị liệu và thân nhân của học viên. Chúng tôi gắn kết mối lại quan hệ trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo bởi ma túy.” – ông Lê Trung Tuấn chia sẻ.

Theo ông Lê Trung Tuấn, sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các loại ma túy mới gây ra những tổn thương nghiêm trọng về tâm thần cho người sử dụng. Viện PSD đã liên kết với Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần trung ương để chuyển gửi những trường hợp có rối loạn tâm thần sang điều trị. Sau khi học viên điều trị ổn định tại bệnh viện sẽ được chuyển về để tiếp tục tham gia trị liệu chống tái nghiện ma túy.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.