Ngày 20/11 ở vùng cao

Thứ Hai, 20/11/2023, 16:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Không có lễ mít tinh trang trọng, không có những bó hoa, món quà vật chất như nơi thành thị, thế nhưng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa không vì thế mà trở nên thiếu ý nghĩa, bởi luôn chứa chan tình cảm yêu thương của học trò, của phụ huynh dành cho các thầy cô giáo.

Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của cô và trò Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa diễn ra thật đơn giản. Bắt điệu một bài hát rộn ràng, cô và trò cùng quây quần bên nhau.  Những bó hoa dại, rau rừng giản dị được trao… cùng với đó là tình cảm rất đỗi chân thành của phụ huynh và các em nhỏ.

“Ngày 20/11 của chúng tôi ở trên này rất đơn giản, gần gũi và tình cảm. Trẻ thì hái hoa dại ở ven đường; phụ huynh cũng dành rất nhiều tình cảm cho chúng tôi, có gì nhà trồng được như: quả bí, su su, khoai sọ… cũng mang đến cho cô giáo. Cũng rất là vui và cảm thấy yêu thương, gần gũi, gắn bó hơn với trò, với phụ huynh.” -  cô giáo Đặng Thị Hà, Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, chia sẻ.

1
Không mang nhiều giá trị vật chất nhưng những món quà mà học sinh, phụ huynh mang tặng các cô giáo vùng cao chứa đựng vô vàn tình cảm và sự biết ơn!

Còn tại điểm trường Đề Chu - điểm trường xa và khó khăn nhất của Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, ngay trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô quyết định sửa sang khuôn viên, sơn lại các thiết bị, đồ dùng học tập ngoài trời. Đây cũng là món quà mà các thầy cô tự dành tặng để động viên nhau, bởi chỉ khi trẻ được đến trường trong điều kiện tốt, mới là món quà ý nghĩa nhất.

“Chúng tôi cũng thường động viên nhau đối với vùng cao thì tình cảm là quan trọng nhất, nên gần đến ngày 20/11 nhà trường thường tổ chức các buổi giao lưu hay hỗ trợ nhau. Ví dụ như đợt này chúng tôi tổ chức lên bản hỗ trợ giáo viên tu sửa cơ sở vật chất để có buổi lễ hay và ý nghĩa. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng có thể gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho giáo dục mầm non.” -  cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, nói.

Dù được nhà nước dành nhiều sự quan tâm, thế nhưng đời sống của các giáo viên vùng cao vẫn còn muôn vàn khó khăn. Vất vả chưa khi nào vơi đi, nhưng lòng nhiệt huyết của các thầy cô thì luôn được lấp đầy bởi những tình cảm chân thành nhận được.

1
Hoa rừng tặng cô giáo.

“Khi mới ra trường vào đây công tác tôi cũng cảm thấy hơi buồn vì ở đây rất xa xôi, điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, công tác ở đây một thời gian thì tôi cũng cảm thấy rất yêu mến mảnh đất này, thương các em học sinh vì các em rất vất vả, khó khăn. Có những em rất bé nhưng đã  phải xa nhà, vì thế tôi chọn gắn bó ở đây.” -  cô giáo Đặng Lan Anh, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học-THCS xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tâm sự.

Đối với những giáo viên vùng cao, dù lắm khi thiếu thốn, dù vất vả, gian nan… phải chăng, tình yêu thương là sức mạnh to lớn để các thầy cô vượt qua được khó khăn, tìm thấy động lực để tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, cũng đều trở nên thật ý nghĩa./.

 

 

Minh Trang - Đức Bình/DIENBIENTV.VN

 

.