Nhận diện những bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em

Thứ Bảy, 01/06/2019, 16:40 [GMT+7]

Những bất cập về quy định trong việc xử lý người vi phạm hay trong công tác tuyên truyền khiến công tác bảo vệ trẻ em gặp nhiều khó khăn

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả hoạt động của gần 20 tổ chức bảo vệ trẻ em trên cả nước hiện nay.

Những bất cập về quy định trong việc xử lý kẻ thủ ác hay trong công tác tuyên truyền từ gia đình đến xã hội đang tạo ra nhiều rào cản khiến công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành, xâm hại gặp rất nhiều khó khăn.
 

M
Ảnh minh họa- Một trẻ em bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành tại Hà Nội.


Riêng năm 2018, cả nước đã xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có hơn 1.200 vụ án xâm hại tình dục, chiếm tới 82% với trên 1.100 trẻ em bị xâm hại. Giao cấu, hiếp dâm, dâm ô, bạo hành là 4 hành vi phạm tội xảy ra nhiều nhất trong các vụ việc liên quan đến trẻ em và người chưa vị thành niên. Mỗi tháng, đường dây điện thoại hỗ trợ 111 nhận khoảng 200 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em.

Các vụ bạo hành, xâm hại tình dục xảy ra với mức độ hành vi ngày càng dã man, tinh vi hơn trong khi vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý đúng người đúng tội.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, bất cập hiện nay là những lỗ hổng luật pháp khiến nhiều vụ xâm hại rơi vào bế tắc hoặc kết quả chưa thỏa đáng. Việc chưa có những quy định riêng về tố tụng hình sự đối với trẻ em và người chưa vị thành niên trong các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục cũng khiến không ít nạn nhân chịu thiệt.

Quá trình cách ly những nghi phạm bị tố cáo có hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng một số nghi phạm, thậm chí bị cáo trong quá trình tòa đang xét xử vẫn được để ở ngoài xã hội. Có nghi phạm còn quay trở lại đe dọa nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Công tác phối hợp tiếp nhận, xử lý thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan tư pháp vẫn còn độ vênh. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất lại là sự thiếu nguồn lực con người và tài chính cho công tác bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Ông Đặng Hoa Nam trăn trở: “Việc bố trí ngân sách địa phương và phân công các cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, đặc biệt ở cấp xã/phường/thị trấn hiện nay thực sự chưa được quan tâm. Vẫn có một số tỉnh, thành rất quan tâm đến việc phân bổ nguồn lực này nhưng sự quan tâm đó thực tế chưa đồng bộ và chưa kịp thời.”

Khi các vụ xâm hại trẻ em xảy ra, báo chí bám sát phản ánh, dư luận cũng tập trung nhiều vào việc lên án, nhưng theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, những tổn thương rất lớn về mặt tâm lý của trẻ và gia đình trong những vụ việc như thế lại bị bỏ qua. Đây là vấn đề đáng báo động.
 
“Một đội ngũ tham vấn viên tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM làm hoàn toàn miễn phí. Một đội ngũ rộng hơn nữa là các chuyên viên tham vấn trên toàn TPHCM cũng phải vài chục người sẵn sàng đồng hành với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Nhưng khi chúng tôi lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ thì ngay cá nhân tôi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được tiếp cận với bất kỳ nạn nhân hay gia đình nào. Câu hỏi tôi đặt ra có phải do thiếu thông tin nên những người cần chúng tôi không biết mà tìm đến hay có vấn đề liên quan đến việc không muốn chúng tôi tiếp cận?”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trách nhiệm lớn của việc bảo vệ trẻ nằm ở công tác tuyên truyền, giáo dục vì phòng bao giờ cũng hơn chống. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, hiện nay công tác này vẫn còn dàn trải, chưa đúng đối tượng nên hiệu quả không cao.

Bà Lâm Minh Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi ở quận Gò Vấp cho rằng nếu chỉ nhà trường tuyên truyền theo định kỳ thì không đủ mà phải đến từng khu phố. Việc tuyên truyền phải thiết thực chứ cứ chung chung kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì không ai biết luật để bảo vệ con trẻ.

“Mỗi tháng tôi đều đi họp tổ dân phố nhưng chưa bao giờ nghe tổ dân phố của tôi truyền thông về luật giáo dục hay luật trẻ em tới bà con hàng xóm. Gia đình nào chả là phụ huynh nhưng có bao giờ mọi người đi họp tổ dân phố mà được nghe các luật này hay không? Câu trả lời là không. Hoặc có được nghe về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em hay không? Cũng không luôn”, bà Trang cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, việc tuyên truyền, giáo dục kém đã dẫn đến hệ lụy là nhiều trẻ em không xác định được đâu là hành vi phạm tội để bảo vệ chính mình và không làm tổn hại người khác.
"Ở tòa án thì đối với những em từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi thường rơi vào 2 nhóm tội nhiều nhất là cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục. Mặc dù pháp luật có tuyên truyền nhưng ở đâu đó chính người lớn chứ không phải các em vẫn chưa biết được ở độ tuổi nào chúng ta có thể bị bỏ tù nếu phạm tội”, ông Tính nói.

Trước thực tế như vậy, đại diện ngành chức năng và địa phương có những đề xuất, kiến nghị gì để việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em được tốt hơn? Chúng ta làm gì để hạn chế thấp nhất các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em hoặc tình huống xấu nhất là các em bị bạo hành, xâm hại thì có thể xử lý một cách nhanh chóng, đúng người đúng tội, giảm tổn thương cho trẻ? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo với tiêu đề: "Bảo vệ trẻ em, mỗi người hãy hành động thiết thực"./.

 

 

Theo Mỹ Dung/VOV

.